Website Thương Mại Điện Tử xây dựng bằng WordPress? Liệu có thể?
Hẳn là bạn từng có suy nghĩ đến việc tạo ra một website thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ nhu cầu cá nhân. Và bạn cũng từng hỏi bản thân hàng tá các câu hỏi. Đại loại như là: tôi nên sử dụng nền tảng nào? Chi phí là bao nhiêu? Cái nào thì dễ sử dụng và lợi ích hơn? Hoặc nếu bạn đang sở hữu một ...
Hẳn là bạn từng có suy nghĩ đến việc tạo ra một website thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ nhu cầu cá nhân. Và bạn cũng từng hỏi bản thân hàng tá các câu hỏi. Đại loại như là: tôi nên sử dụng nền tảng nào? Chi phí là bao nhiêu? Cái nào thì dễ sử dụng và lợi ích hơn? Hoặc nếu bạn đang sở hữu một website được thiết kế bằng nền tảng WordPress và đang có ý định xây dựng website thương mại điện tử thì bài viết này là dành cho bạn.
Thương mại điện tử là gì?
Về khái niệm, hiểu một cách đơn giản nhất thì TMĐT chính là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Mà các phương tiện điện tử dễ thấy nhất ở đây chính là các website TMĐT. Tại Việt Nam, có rất nhiều website TMĐT nổi tiếng đã và đang phát triển. Có thể kể đến một số gương mặt tiêu biểu như Tiki, Lazada, Thế giới di động,… Tuy nhìn bề ngoài chúng rất khác nhau, nhưng thật ra thì cũng không khác nhau lắm.
Bỏ qua sự khác biệt, tập trung vào điểm chung
Nhưng nếu xem xét kỹ một chút thì các website này sẽ có một số tính năng chính:
- Trưng bày sản phẩm: đó là khi lần đầu tiên chúng ta bước chân vào trong trang web. Trang web sẽ hiển thị toàn bộ sản phẩm theo xu hướng hoặc sở thích.
- Chi tiết về sản phẩm: các sản phẩm này thường sẽ có một trang riêng để mô tả thêm các thông tin như giá tiền, tính năng, chủng loại, đánh giá, hình ảnh chi tiết, mô tả chi tiết,…
- Đặt hàng và thanh toán: đây là hai tính năng hầu như không thể thiếu đối với một trang TMĐT. Chúng giúp cho khái niệm mua bán lúc này dễ hình dung hơn bao giờ hết.
- Ngoài ra, sẽ còn một số tính năng khác như là: tìm kiếm, mã giảm giá (coupon), chức năng vận chuyển, chức năng quản lý đơn hàng và đăng ký thành viên, các chương trình khuyến mãi, hậu mãi,… Hầu hết các chức năng này sẽ tùy thuộc vào mô hình kinh doanh và cách vận hành của từng đơn vị mà có cách thể hiện khác nhau.
Như vậy, nếu bỏ qua các điểm khác biệt, chúng ta có thể thấy rằng, bản chất của một website TMĐT chính là một website bán hàng. Có điều nó sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi các thông tin về sản phẩm. Thậm chí là trải nghiệm và sở hữu chúng mà không cần phải đến trực tiếp cửa hàng như cách truyền thống.
Tổng hợp tất cả những thứ trên theo góc độ kỹ thuật, nếu chỉ là đơn thuần một website bán hàng, WordPress hoàn toàn có thể thực hiện được.
WordPress và E-Commerce
Thật vậy, đến thời điểm hiện tại, WordPress đã và đang được bầu chọn là hệ thống quản trị nội dung (CMS) mã nguồn mở phổ biến nhất trên thế giới. Nó chiếm gần 27% tổng số các website được xuất bản trên internet, với hơn 60 triệu người sử dụng trên thế giới. Một con số không hề nhỏ.
Mặc dù xuất thân của nó chỉ được dùng để xuất bản các website chia sẻ thông tin dưới dạng blog nhưng với sự linh hoạt và dễ sử dụng của mình, rất nhiều hãng thứ ba đã xây dựng thêm các chức năng mở rộng (plugin) cho WordPress nhằm biến nó thành các website với nhiều thể loại đa dạng: từ du lịch, ẩm thực, cho đến diễn dàn, tạp chí,… và đặc biệt nhất trong số đó chính là các plugin hỗ trợ xây dựng các website TMĐT hay chúng ta vẫn gọi là các website bán hàng. Dĩ nhiên là chúng hoàn toàn miễn phí.
Việc sở hữu một website TMĐT bằng WordPress cũng không quá khó khăn nếu như bạn là một người có một chút kiến thức về Internet. Lúc này, bạn sẽ cần phải tìm hiểu về cách cài đặt và vận hành một website trên nền tảng WordPress cũng như cài đặt và quản trị các plugin để có thể biến WordPress thành một website TMĐT mà thôi. Tất cả những thứ này đều hoàn toàn miễn phí, việc của bạn chỉ là dành chút thời gian, tìm kiếm đúng tài liệu, nghiên cứu và thực hành chúng.
Vậy chúng ta cần chuẩn bị những gì?
Mặc dù WordPress cũng như các plugin hỗ trợ để tùy biến nó thành một website TMĐT được cung cấp… miễn phí. Nhưng để có thể “chạy” được một website TMĐT bằng WordPress thì chúng ta phải có một chút “chi phí” ban đầu.
Các yếu tố chính
Ở đây, tôi sẽ liệt kê một vài thứ mà bạn cần phải chuẩn bị nếu như muốn tự sở hữu một website TMĐT được thiết kế bằng WordPress:
- Tên miền: đây là thứ mà bạn cần phải có để định danh website. Và nó cũng là thương hiệu của bạn trên Internet. Giá của nó vào khoảng 12~15$ cho một năm sử dụng. Nếu bạn có thẻ thanh toán quốc tế, bạn có thể mua với giá ưu đãi hơn. Vào khảng 1~3$ cho năm sử dụng đầu tiên.
- Hosting: nơi chứa mã nguồn trang web của bạn. Thường có giá trong khoảng 12~20$ tùy thuộc vào nhà cung cấp. Bạn cũng có thể sử dụng các nhà cung cấp hosting miễn phí. Nhưng hãy cân nhắc việc sử dụng các nhà cung cấp này. Vì thường nó sẽ không đảm bảo về mặt kỹ thuật với các vấn đề về bảo mật, sao lưu.
- WordPress: đây là điều hiển nhiên rồi. Vì bạn đang xây dựng một website trên nền tảng này mà đúng không? Và như các bạn biết đó, WordPress miễn phí.
- WordPress Plugin: các thành phần mở rộng để biến WordPress thành website TMĐT. Có rất nhiều các plugin có thể hỗ trợ WordPress thực hiện được việc này. Một số cái tên có thể kể đến như WooCommerce, WP Ecommerce, iTheme Exchange,… trong đó WooCommerce là cái tên nổi bật và phổ biến nhất. Đương nhiên là nó cũng miễn phí.
- WordPress Theme: đây chính là giao diện của website. Điều đáng mừng là cộng đồng WordPress hỗ trợ khá nhiều giao diện miễn phí.
Trên đây là 5 yếu tố cần thiết để bạn có thể tự sở hữu một website thương mại điện tử được thiết kế trên nền tảng WordPress.
Và dĩ nhiên sẽ luôn có yếu tố phụ đi kèm
Theo như tổng kết, bạn chỉ cần tiêu tốn khoảng tối đa 35$ cho năm sử dụng đầu tiên. Con số này không hề đắt và có thể rẻ hơn tùy vào nhà cung cấp dịch vụ. Và như vậy, với một khoản chi phí thấp, bạn đã có sở hữu một website thương mại điện tử. Đương nhiên là chỉ với các tính năng cơ bản nhất. Nhưng bù lại, bạn sẽ tự tay mình vận hành và quản lý nó.
Thế nhưng, mọi thứ đều có giới hạn của nó. Theo thời gian, khi website phát triển, các yêu cầu về chức năng và giao diện sẽ thay đổi. Lúc này, các tính năng hay giao diện được cung cấp sẵn sẽ không đáp ứng được nữa. Bạn sẽ phải cần đến các giải pháp như là các giao diện hoặc chức năng có tính phí. Hoặc nếu có thời gian, bạn cũng có thể học cách để tự xây dựng chúng theo ý muốn. Dĩ nhiên, điều này là tùy thuộc vào bạn.
Tổng kết
Việc vận hành một website thương mại điện tử là một câu chuyện dài. Do đó chúng ta sẽ không đề cập tới. Vì nó không thể nào gói gọn trong một bài viết như thế này. Ở đây, tôi chỉ muốn cho các bạn thấy được một điều. Những thứ cơ bản nhất mà các bạn cần có ở một website thương mại điện tử, WordPress hoàn toàn có thể làm được.