13/01/2019, 00:33

Xu hướng trí tuệ nhân tạo nổi bật năm 2018

Năm 2018 có thể coi là một dấu mốc lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dù có cả những nốt thăng và trầm. Hướng tới năm 2019, cùng nhìn lại những xu hướng chính định hình lĩnh vực AI nói riêng và ngành công nghệ nói chung trong năm 2018. Xe tự hành được đưa vào thử ...

Năm 2018 có thể coi là một dấu mốc lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dù có cả những nốt thăng và trầm.

Hướng tới năm 2019, cùng nhìn lại những xu hướng chính định hình lĩnh vực AI nói riêng và ngành công nghệ nói chung trong năm 2018.

Xe tự hành được đưa vào thử nghiệm
Năm 2018 được ghi dấu như một mốc lớn đối với các phương tiện tự hành (autonomous), theo cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Hồi đầu năm 2018, công ty chuyên nghiên cứu xe tự lái Waymo của Google đã phải đối mặt với Uber trong các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ.
Chỉ vài tháng sau, dù đã xóa bỏ được những khác biệt, song hai cái tên Waymo và Uber vẫn được chú ý trong làng công nghệ xe tự hành vì những lý do khác biệt.
Đến cuối năm 2018, thử nghiệm xe tự hành của Uber đã được khởi động trở lại, nhưng ở chế độ thủ công (tức là có người điều khiển).
Một số chuyên gia đặt câu hỏi nếu vẫn cần người lái như vậy thì sao Uber có thể nói đây là xe tự hành.
Trong khi đó, Waymo của Google đã công bố dịch vụ xe không người lái dưới thương hiệu Waymo One. Có lẽ cuối cùng những chiếc xe tự lái đã chính thức có mặt, nhưng kinh nghiệm ban đầu đã cho thấy rằng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi các phương tiện có khả năng tự chủ hoàn toàn.
Bất kể những diễn biến không mấy lạc quan, rõ ràng năm 2018 là một năm quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất xe tự hành đi lên. Không có nghi ngờ rằng 2019 cũng sẽ là một năm đáng chú ý cho quá trình phát triển phương tiện tự lái.

Làn sóng ứng dụng AI tại các doanh nghiệp

Theo giới quan sát, xu hướng lớn nhất trong năm 2018 là AI, Machine Learning và công nghệ điện toán nhận thức tiếp tục tạo được sức hút mạnh mẽ đối với giới doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động và ngành công nghiệp khác nhau.
Năm 2018 là năm mà chatbot trở nên phổ biến tại lĩnh vực dịch vụ chăm sóc khách hàng, trong khi những công nghệ tự quản lý thông tin tích hợp AI đã dần hoàn thiện hơn.
Năm 2018 cũng chứng kiến ngày càng nhiều công ty phân tích dự đoán áp dụng Machine Learning và phụ thuộc nhiều hơn vào những nhận định cho AI cung cấp.
Nhiều công ty cũng đang nỗ lực đưa ra những bước tiến mới trong quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên, giúp doanh nghiệp có thể tìm hiểu rõ hơn các luồng dữ liệu phi cấu trúc của họ. Hoạt động marketing có sử dụng hỗ trợ từ AI cũng là một trong những xu hướng nổi bật trong năm 2018, với khái niệm siêu cá nhân hóa được chú ý hơn khi các công ty nhận ra lợi ích của AI trong hoạt động này.
Ngành bán lẻ cũng tham gia vào “làn sóng” AI với nhiều kế hoạch ra mắt hệ thống thương mại tích hợp AI. Nổi bật trong số đó là việc Amazon dự kiến triển khai hơn 3.000 cửa hàng Amazon Go trong vài năm tới.

Chiến lược AI cấp quốc gia

Không quá lời khi nói rằng năm 2018 là năm của chiến lược AI cấp quốc gia. Khoảng một năm trước đây, Trung Quốc đã công bố chi tiết về lộ trình ba bước thể hiện mục tiêu muốn trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực AI vào năm 2030.
Sang năm 2018, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt những chương trình định hướng cho phát triển lĩnh vực AI, trong đó bao gồm các sáng kiến và mục tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghiệp hóa, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động giáo dục và nâng cao kỹ năng, thiết lập và quy định các tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức và an ninh.
Các động thái gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào AI của Bắc Kinh trong năm 2018, bao gồm kế hoạch thiết lập nguồn quỹ trị giá 5 tỷ USD cùng một công viên công nghệ trị giá 2,1 tỷ USD để tạo điều kiện cho phát triển AI, cho thấy quốc gia này coi AI là một công cụ cạnh tranh và mang tính chiến lược.
Không nằm ngoài cuộc đua với Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch chiến lược về AI với Lầu Năm Góc, bên cạnh việc tuyên bố kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào các sáng kiến liên quan đến AI.
Ngoài Mỹ, các quốc gia châu Âu cũng đang đặt cược rất lớn vào các sáng kiến AI của họ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một chiến lược quốc gia cho lĩnh vực AI trong năm 2018, với kế hoạch đầu tư hơn 1,5 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD) vào hoạt động nghiên cứu liên quan đến AI trong 5 năm tới.
Đức cũng tuyên bố thành lập Cyber Valley, một khu vực trung tâm công nghệ mới ở miền Nam nước này, với hy vọng tạo ra những cơ hội hợp tác mới giữa các học giả và các doanh nghiệp chú trọng vào AI.
Ngay cả Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Hàn Quốc cũng đã công bố các sáng kiến lớn về AI.

XEM THÊM: Xu hướng tấn công mạng 2019

0