Bạn muốn thành công? Hãy là một Full-Stack Developer với thái độ tốt
Full-stack Developer là người biết hết từ server, data đến Backend, UI, UX,.. Người làm IT thì luôn thừa thông minh nhưng thường chỉ giới hạn mình ở một số mảng nhất định. Tại sao không tìm hiểu hết cả hệ thống để có thể làm việc của mình tốt hơn? Hãy cùng ITviec gặp gỡ anh Bùi Hải An, ...
Full-stack Developer là người biết hết từ server, data đến Backend, UI, UX,.. Người làm IT thì luôn thừa thông minh nhưng thường chỉ giới hạn mình ở một số mảng nhất định. Tại sao không tìm hiểu hết cả hệ thống để có thể làm việc của mình tốt hơn?
Hãy cùng ITviec gặp gỡ anh Bùi Hải An, Co-founder của Silicon Straits Saigon (SSS), một start-up cá tính về công nghệ ở TP. HCM để được nghe anh chia sẻ về những vấn đề mà Developer tại Việt Nam đang gặp phải.
Chào anh, được biết anh từng học tại NUS (National University of Singapore) anh có thể chia sẻ những gì anh học được trong thời gian đó?
Tại NUS anh học Electrical Engineering, nhưng nói thật anh dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa của hội sinh viên hơn. Kết quả là bảng điểm của anh không hoành tráng, nhưng anh học được rất nhiều về cách dùng người: tìm ra điểm mạnh của họ và sử dụng đúng chỗ, đúng lúc.
Sau khi ra trường, anh làm cho Xerox tại Singapore trong một thời gian. Sau đó anh về Việt Nam và cùng một vài người bạn lập nên TGM, công ty chuyên về đào tạo kỹ năng mềm. Đến năm 2013 thì anh cùng Kent Nguyen và James Chan lập nên Silicon Straits Saigon.
Anh có thể chia sẻ một bài học mà anh có được sau khi ra trường?
Tại TGM, anh có làm trainer trong khoảng 6 tháng. Anh không tự tin khi nói trước đám đông nên hy vọng việc làm trainer sẽ giúp mình nói tốt hơn. Nhưng mọi chuyện càng lúc càng tệ. Anh mất hết tự tin sau mỗi buổi training và cảm thấy mình thật thất bại. Sự mất tự tin này ảnh hưởng đến nhiều mặt khác trong công việc cũng như cuộc sống của anh.
Sau 6 tháng, anh ngừng việc training lại và quyết định làm về online marketing và học lập trình. Mọi việc tốt trở lại và anh thấy thoải mái với công việc mới.
Đây cũng là bài học lớn nhất của anh: khi cảm thấy không thấy thoải mái với công việc đang làm thì hãy dừng lại đúng lúc.
Theo anh, điểm yếu lớn nhất của developer là gì?
Đó là không thể làm chủ sản phẩm sản phẩm của mình và thiếu kỹ năng quản lý sản phẩm (product management skill). Thường một developer chỉ làm một khâu trong lập trình ra sản phẩm. Ví dụ, làm 1 website thì sẽ có một người làm design, một người làm frontend, 1 người làm backend, và một người khác test. Vấn đề là cả 4 người này, không ai thật sự “làm chủ” cả sản phẩm.
Bạn không cần phải là Manager để làm việc đó, bạn chỉ cần có suy nghĩ xem sản phẩm đây là của mình (own the product), dù đó là sản phẩm của riêng bạn, hay của công ty, hay chỉ làm outsource cho khách hàng.
Vậy thì developer nên làm gì?
Hãy trở thành Full-stack Developer, biết hết từ server, data đến Backend, UI, UX,.. Người làm IT thì luôn thừa thông minh nhưng thường chỉ giới hạn mình ở một số mảng nhất định. Tại sao không tìm hiểu hết cả hệ thống để có thể làm việc của mình tốt hơn?
Có câu “There is no growth in comfort, no comfort in growth,” anh có nghĩ thoải mái quá thì sẽ không phát triển được?
Từ “thoải mái” anh dùng là để chỉ cảm giác của mình khi đi làm hàng ngày, bao gồm nhiều yếu tố: tính chất công việc, môi trường, công ty, đồng nghiệp… Anh tin là nếu một người không cảm thấy “thoải mái” mỗi khi họ làm việc, họ sẽ không phát huy được hết khả năng của mình.
Còn để phát triển lại cần 1 hệ thống (system) cho những kế hoạch dài hạn. System của anh là “liên tục tích lũy thêm kỹ năng.” Khi làm bất cứ điều gì, anh luôn xem xét xem nó có phù hợp với “system” của mình hiện tại, tức là nó có giúp anh tích lũy được thêm kỹ năng mình đang cần hoặc sẽ cần trong tương lai hay không.
Nói ngắn gọn, quan niệm của anh là mình cần sự thoải mái ngắn hạn để làm tốt công việc hàng ngày nhưng về dài hạn, mình sẽ cần 1 hệ thống khác để giúp mình luôn đi đúng hướng.
Anh có vẻ hiểu rất rõ về mình?
Mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại, anh lại hiểu thêm 1 chút về bản thân. Anh biết mình không giỏi nghĩ ra ý tưởng mới, cũng không giỏi nói trước đám đông. Nhưng anh có thể phát triển một ý tưởng và giải quyết vấn đề rất nhanh. Ai cũng vậy, sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu, quan trọng họ có nhận ra và chấp nhận nó không.
Bên cạnh đó, mọi người sẽ không quan tâm đến điểm yếu của bạn nếu bạn có thể mang lại giá trị cho họ thông qua những điểm mạnh khác đang có.
Có vẻ anh học được nhiều từ thất bại hơn thành công?
Tất nhiên, những thất bại giúp anh biết được cái nào hiệu quả và cái nào không. Nó cũng giúp anh đi đúng theo “system” mình đã đề ra. Những ai sợ thất bại thì sẽ chẳng bao giờ học được gì.
Về mặt tuyển dụng, anh muốn tuyển những người như thế nào?
Những người có thái độ tốt. Người giỏi không thiếu, chỉ có người với thái độ tốt là khó tìm. Thái độ tốt ở đây là thái độ nghiêm túc với công việc của mình, cởi mở với những cái mới và sẵn sàng hỗ trợ mọi người.
Một bạn Developer mới ra trường có thể được train về Ruby on Rails hoặc iOS trong 1-2 tháng và làm được việc ngay, nhưng một người kênh kiệu và tự cao thì rất khó để thay đổi họ.
Vậy SSS làm thế nào để tuyển được những người như thế?
Anh bắt đầu từ xây dựng một thương hiệu. Anh muốn mọi người hiểu và yêu thích SSS trước khi quyết định apply vào đây. Văn hóa của SSS luôn được thể hiện chân thật nhất trong mọi thứ, từ văn phòng, website, văn hóa đến những việc mọi người làm hằng ngày.
Anh muốn SSS là một sân chơi mà tất cả nhân viên có thể thoải mái làm việc và học hỏi. Mọi người có thể đến làm lúc 8h sáng hay 12h trưa đều được, miễn là hoàn thành công việc và không làm ảnh hưởng đến người khác. Văn phòng thì luôn có đủ thức ăn, nước uống để mọi người nạp năng lượng (cười).
Thậm chí SSS vừa có một quán cafe rất đặc trưng (Air Lounge) để nhân viên (cũng như bạn bè) có thể thoải mái ngồi làm việc và sáng tạo.
Anh Hải An (Trái) và Chris Harvey, CEO của ITviec
Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm nhân sự từ SSS cho các start-up mới?
Hãy là một nơi mà nhân viên có thể thoải mái làm việc bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, trong dài hạn, start-up của bạn cần có một system để nhân viên có thể học thêm kỹ năng, kinh nghiêm mới và làm những việc họ thấy có ý nghĩa.
Cảm ơn anh đã tham gia bài phỏng vấn này!
Cảm ơn ITviec.
Bạn thấy thú vị chứ? Hãy chia sẻ ý kiến của mình bằng cách comment dưới đây!