31/08/2018, 15:27

Công ty product & outsourcing: 3 điểm khác biệt

“Sự thành công trong công ty product đo lường bằng mức độ hài lòng của người dùng. Sự thành công trong công ty outsourcing đo lường bằng mức độ hài lòng của khách hàng. “ Cùng đọc bài phỏng vấn của ITviec với Rutger Coolen – Principal Product Manager của Atlassian – để tìm hiểu: ...

chon-cong-ty-product-hay-outsourcing

“Sự thành công trong công ty product đo lường bằng mức độ hài lòng của người dùng. Sự thành công trong công ty outsourcing đo lường bằng mức độ hài lòng của khách hàng. “

Cùng đọc bài phỏng vấn của ITviec với Rutger Coolen – Principal Product Manager của Atlassian – để tìm hiểu:

  • Ba điểm khác biệt lớn nhất giữa làm việc tại công ty product và outsourcing
  • Làm sao để thành công tại công ty product
  • Sai lầm lớn nhất mà Rutger từng mắc phải và bài học anh rút ra

Xem thêm việc làm Product Manager tại ITviec

Tiểu sử: Anh Rutger học toán ở đại học. Sau khi tốt nghiệp năm 2000, anh dành sáu năm làm Project Manager của bộ phận R&D tại một công ty truyền thông di động. Năm 2008, anh tham gia team product tại Nimbuzz, một công ty ứng dụng phần mềm giao tiếp trên di động. Sự nghiệp của anh gắn với các sản phẩm từ đó. Từ Hà Lan, anh chuyển đến sống và làm việc tại Việt Nam ở Atlassian vào khoảng đầu năm 2015.

Vì sao anh lại chọn làm việc cho một công ty product?

Đối với tôi, việc làm một sản phẩm cũng giống như vận hành doanh nghiệp của cá nhân tôi. Là một Product Manager, tôi chịu trách nhiệm cho sự thành công của toàn bộ sản phẩm.

Tôi thích cảm giác khi một sản phẩm của tôi có ảnh hưởng tốt đến đời sống và công việc của người dùng. Ví dụ như JIRA đang được sử dụng bởi hàng nghìn người mỗi ngày để tạo ra những điều tuyệt vời: từ xe điện, trò chơi điện tử, ứng dụng di động cho đến tên lửa.

Điều tôi không thích ở outsourcing là tôi không được quyền quyết định ở những vấn đề cần thiết mà có thể giúp sản phẩm trở nên hoàn thiện hơn. Bạn có quyền khuyên khách hàng (và bạn nên như thế), nhưng thường thì họ không đủ kinh phí để thực hiện, hoặc họ nhận sản phẩm rồi… phá nó.

Có điều gì mà mọi người thường hiểu lầm về Product Manager?

Mọi người thường nghĩ Product Manager không phải là người nghĩ ra những cải tiến của sản phẩm.

Nhưng ngược lại, Product Manager nói chuyện với khách hàng, phân tích dữ liệu, làm việc với team, được truyền cảm hứng từ những sản phẩm khác, rồi xây dựng một bản đồ các tính năng của sản phẩm. Vì vậy product management không phải là một nghệ thuật, mà nó chính là khoa học của quá trình làm việc nghiêm túc.

Sự khác nhau giữa công ty outsourcing và product là gì?

Công ty outsourcing được thuê để làm phần mềm cho những công ty khác. Họ không sở hữu, quảng bá hay bán sản phẩm họ làm ra. Họ được trả tiền dựa trên số giờ làm việc hoặc theo dự án.

Công ty product xây dựng, quảng bá và bán sản phẩm mà họ xây dựng. Họ được trả tiền khi và chỉ khi người dùng yêu thích và muốn mua sản phẩm.

Điều này có đồng nghĩa với việc công ty outsourcing và product tập trung vào những mục đích khác nhau?

Đúng vậy. Sự thành công trong công ty outsourcing đo lường bằng mức độ hài lòng của khách hàng. Sự thành công trong công ty product đo lường bằng mức độ hài lòng của người dùng.

Anh có thể giải thích rõ hơn?

Mục tiêu quan trọng nhất của công ty outsourcing là làm khách hàng (những công ty thuê họ gia công phần mềm) hài lòng. Để giữ khách hàng hài lòng, họ phải giao phần mềm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, kịp thời gian, trong kinh phí cho phép. Đó là thước đo để công ty outsourcing được trả tiền và có thêm nhiều khách hàng.

Còn mục tiêu chính của công ty product là làm người dùng (người trực tiếp sử dụng sản phẩm) hài lòng. Để giữ người dùng hài lòng, phần mềm phải có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, có đầy đủ chức năng cần thiết, và không khiến người dùng mất nhiều thời gian để học cách sử dụng. Làm tốt và họ ngày càng có nhiều người dùng cũng như nhiều lợi nhuận hơn.

Làm việc tại công ty product khác thế nào với công ty outsourcing?

Có 3 điểm khác biệt lớn nhất giữa công ty product và outsourcing.

Tập trung vào người dùng cuối cùng.

Khách hàng của công ty product là người dùng cuối cùng. Tất cả mọi quyết định đều tập trung vào việc làm người dùng hài lòng. Họ đo lường sự hài lòng của khách hàng bằng cách xem mức độ yêu thích của anh ta đối với sản phẩm (hoặc xem phần đánh giá tại Appstore).

Tại công ty outsourcing, bạn có thể có ý kiến để cải thiện trải nghiệm người dùng cuối cùng, nhưng bạn phải tập trung nhiều hơn vào việc làm khách hàng hài lòng. Và điều đó không phải lúc nào cũng giống với việc làm người dùng hài lòng.

Tham gia vào quy trình sản xuất sản phẩm từ A đến Z.

Trong công ty product, bạn sẽ làm việc với một hoặc một vài sản phẩm tại mọi phần trong vòng đời của chúng. Bạn sẽ launch chúng, nhận phản hồi, và cải thiện chúng qua năm tháng. Chúng cho bạn biết những ý tưởng rõ ràng hơn về vòng đời sản phẩm.

Tại công ty outsourcing, bạn sẽ chuyển từ sản phẩm này sang sản phẩm khác. Bạn thường chỉ làm việc trên một vấn đề rất nhỏ trong các thời điểm nhất định. Hiếm khi bạn được làm việc với một sản phẩm trong suốt chu kỳ của nó.

Cảm giác “sở hữu” một sản phẩm.

Dành toàn bộ thời gian cho một sản phẩm và chịu trách nhiệm cho giá trị nó mang lại giúp bạn có được cảm giác “sở hữu.” Không còn khoảng cách giữa người tạo và người sử dụng. Kết quả là bạn sẽ tự thúc đẩy bản thân để đưa ra những quyết định mà bạn cảm thấy đúng cho người tiêu dùng.

Rất khó để tìm thấy cảm giác “sở hữu” tại công ty outsourcing. Ngay cả khi bạn chia sẻ ý tưởng về sản phẩm với khách hàng, bạn cũng khó hoặc ít có động lực đấu tranh khi khách hàng không đồng ý. Cuối cùng thì mục đích của bạn cũng là để làm hài lòng khách hàng, không phải tranh luận với họ.

outsourcing-la-gi

Rutger và team JIRA tại Atlassian

Vì sao một developer nên chọn làm việc tại công ty product hay outsourcing?

Nếu bạn yêu thích việc đưa giá trị sản phẩm đến tận tay người dùng và đóng vai trò chủ động trong việc phát triển sản phẩm theo thời gian, thì công ty product, như Atlassian, có lẽ là nơi dành cho bạn.

Nếu bạn muốn làm việc ở nhiều dự án, nhiều sản phẩm khác nhau theo thời gian thì công ty outsourcing nên là ngôi nhà của bạn.

Developer cần phát triển kỹ năng nào để thành công tại công ty product?

Đầu tiên, bạn cần yêu việc xây dựng và sử dụng sản phẩm. Những người làm sản phẩm tốt nhất yêu sự sáng tạo trong quy trình xác định nhu cầu người dùng và thiết kế sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đó.

Thứ hai là bạn phải có ý kiến. Product developer không có khách hàng để đưa ra yêu cầu kỹ thuật hay bảo bạn phải làm gì. Product developer cần dựa hoàn toàn vào bản thân mình để đưa ra ý kiến làm thế nào để phát triển sản phẩm tốt hơn.

Cuối cùng là phải dũng cảm nói lên ý kiến của bạn. Product developer nên có đam mê về việc đấu tranh cho những điều họ tin là tốt nhất cho người dùng.

Anh đã từng mắc phải sai lầm nào và anh học được gì từ nó?

Tôi tham gia team product tại Nimbuzz vào năm 2008. Ứng dụng di động là thứ còn mới mẻ vào thời đó. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo ra ứng dụng di động để giao tiếp về mọi mặt – tin nhắn, biểu tượng cảm xúc, gọi điện thoại, gọi video thoại, chơi game.

Sau ba năm, chúng tôi phát triển hết những chức năng đó cho mọi nền tảng – Blackberry, Mac, PC, iPhone, Android, Nokia, Windows và Mobile Web.

Quá nhiều chức năng trên quá nhiều nền tảng là một lỗi khổng lồ khi làm sản phẩm. Chúng tôi phân tán mỏng nguồn lực, và đã không thể phát triển tối đa một chức năng nào.

Cuối cùng, những công ty cạnh tranh với Nimbuzz, tập trung phát triển một chức năng trên một hoặc hai nền tảng đã hoàn toàn đánh gục chúng tôi – Whatsapp là ứng dụng tốt nhất về nhắn tin, Viber là về gọi điện thoại, Tango là về gọi video thoại.

Bởi vì họ tập trung nên họ có thể phát huy tối đa khả năng cải thiện sản phẩm, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, và cũng dễ dàng hơn trong việc quảng bá sản phẩm. Họ trở nên lớn mạnh và được Facebook thu mua. Chúng tôi không được như thế.

Bài học lớn nhất tôi rút ra là phải tập trung nguồn lực và phát huy tối đa khả năng ở một hoặc hai thứ. Tránh sự cám dỗ của việc làm mọi thứ để rồi không tốt ở thứ nào.

Có quyển sách hoặc resource nào anh thường xuyên tham khảo trong suốt sự nghiệp của mình?

Một số tư liệu sau đã dạy tôi nhiều điều về cách tạo ra những sản phẩm tốt.

The Lean Startup (Eric Ries). ‘Khởi nghiệp tinh gọn’ chỉ mới ra đời khoảng bốn năm nhưng đã là một trong những quyển sách cơ bản nhất về quản lý sản phẩm. Nó dạy bạn cách phát hành sản phẩm và tương tác nhanh với người dùng.

Manifesto for Agile Software Development. Đọc Agile Manifesto và mười hai quy luật đằng sau nó để hiểu rõ hơn về cách tạo ra một phần mềm tuyệt vời thông qua sự cộng tác.

Blue Ocean Strategy (W. Chan Kim and Renée Mauborgne). ‘Chiến lược đại dương xanh’ là quyển sách dạy bạn cách định vị sản phẩm trên thị trường và cách làm cho sản phẩm của đối phương không tương đồng với nhu cầu người dùng. Nó còn dạy bạn cách nghĩ về giá trị người dùng và làm sao để đảm bảo giá trị sản phẩm của bạn tốt hơn đối thủ.

Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn developer để giúp họ thành công tại công ty product?

1) Nói chuyện với người dùng. Gặp gỡ mọi người quanh bạn – đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, khách hàng – những người sử dụng sản phẩm của bạn và hỏi họ rằng họ thích/ không thích những điểm nào.

2) Take ownership. Tạo cảm giác ‘sở hữu’. Tưởng tượng bạn là người sở hữu công ty, bạn sẽ làm gì khác với những việc bạn đang làm hàng ngày? Nếu bạn nghĩ ra điều gì, bạn nên hành động ngay.

3) Use your own products. Sử dụng sản phẩm của chính bạn. Nếu chính bạn còn bối rối trong việc sử dụng sản phẩm của chính mình, hoặc không thể tìm được một chức năng nào đó, thì người dùng thật sự sẽ càng cảm thấy bối rối hơn.

Cảm ơn Rutger!

Xem thêm các việc làm Product Manager tại ITviec

Robby4

Bài Viết Liên Quan

Evolable Asia CTO: Lời khuyên cho bạn từ sai lầm c...
Làm sao để trở thành một Technical Architect?...
0