Đây là lý do vì sao Google không còn thiết tha “săn” những sinh viên ưu tú như trước kia
Google cũng giống như rất nhiều công ty khác từng có khoảng thời gian thu gom những sinh viên thuộc top đầu các trường đại học lớn, thế nhưng điều này không còn chính xác. Google đã dành hàng năm trời phân tích những người thành công ở chính công ty này và tâm điểm đã không còn ...
Google cũng giống như rất nhiều công ty khác từng có khoảng thời gian thu gom những sinh viên thuộc top đầu các trường đại học lớn, thế nhưng điều này không còn chính xác.
Google đã dành hàng năm trời phân tích những người thành công ở chính công ty này và tâm điểm đã không còn là điểm số, danh tiếng của trường đại học và những câu trả lời thú vị cho các câu hỏi học búa khi phỏng vấn.
Trong một cuộc trò chuyện với tạp chí New York Times, Laszlo Bock khi đó đang là giám đốc nhân sự của Google, đã cho biết người khổng lồ về công nghệ này đang tìm kiếm điều gì.
Sinh viên tốt nghiệp các trường nổi tiếng thường thiếu sự nhún nhường về trí tuệ
Những sinh viên xuất sắc vẫn được dạy là phải tin tưởng vào tài năng của mình, vì thế họ không có khả năng chấp nhận thất bại một cách nhẹ nhàng.
Google tìm kiếm khả năng rút lui và chấp nhận ý tưởng của người khác khi ý tưởng đó ưu tú hơn. “Đó chính là sự nhún nhường về trí tuệ. Nếu không có nó, bạn sẽ không thể học hỏi được”, Bock cho biết. “Những người thành công từ rất sớm hiếm khi trải qua thất bại, vì thế họ không biết cách học hỏi từ thất bại”.
“Thay vào đó, họ mắc những lỗi lầm quy kết cơ bản. Nghĩa là, nếu điều gì tốt xảy ra, đó là vì tôi giỏi. Nếu điều gì xấu xảy ra, đó là do lỗi của người khác hoặc do tôi không có đủ nguồn lực… Điều chúng tôi thấy là những người thành công nhất ở đây (người mà chúng tôi muốn tuyển dụng) sẽ nắm giữ những chiếc ghế nóng. Họ sẽ tranh luận kịch liệt. Họ sẽ rất quyết liệt để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng sau đó bạn nói ‘thật ra là thế này’, và họ sẽ nói ‘Ồ, đúng là cái này có ích đấy; anh/cô nói đúng’”.
Những người thành công mà không học đại học thường là những người phi thường nhất
Tài năng có ở khắp mọi nơi và những nhà tuyển dụng dựa vào nguồn cung nhân lực từ một số trường ít ỏi sẽ bỏ lỡ những người này. Bock cho biết:
“Khi bạn thấy một người không học đại học và vẫn thành công, thì đó chính là những cá nhân kiệt xuất. Và chúng ta cần phải bằng mọi giá để tìm được những người như thế”.
Nhiều trường không tạo ra được những sinh viên với các phẩm chất họ hứa hẹn, mà tạo ra một đống các khoản nợ cho những người không học được điều gì hữu dụng nhất. Theo Bock, đó là “tuổi dậy thì kéo dài” chứ không phải chuẩn bị cho sự nghiệp.
Khả năng học hỏi còn quan trọng hơn chỉ số IQ
Thành công khi còn ngồi trên giảng đường không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đủ khả năng làm việc. Bock trước đây đã nói rằng đại học có thể là một “môi trường nhân tạo” đủ điều kiện cho một loại tư duy. Chỉ số IQ thực ra không giá trị bằng khả năng học hỏi ngay tại chỗ.
“Với mọi vị trí, yếu tố tiên quyết mà chúng tôi tìm kiếm là khả năng nhận thức nói chung, chứ không phải IQ. Đó chính là khả năng học hỏi. Đó là khả năng xử lý ngay tại chỗ. Đó là khả năng tập hợp mọi mảnh vụn thông tin. Chúng tôi đánh giá điều đó bằng các buổi phỏng vấn hành vi mà chúng tôi tạo ra”, Bock cho biết.
Một cuộc phỏng vấn hành vi (trái với những buổi phỏng vấn thông thường trong đó yêu cầu ứng viên tìm ra cần bao nhiêu quả bóng tennis để nhét khít vào một sân tennis) có thể hỏi bạn phản ứng ra sao trong một hoàn cảnh cụ thể đã diễn ra trong quá khứ. Nó cũng giúp tìm được các ứng viên phù hợp với định nghĩa về tinh thần lãnh đạo của công ty. Theo Bock, đó không phải là quản lý một câu lạc bộ ở trường học hay một chức danh cao cấp, mà là khả năng đứng ra gánh vác và lãnh đạo khi cần thiết.
Techtalk via trithuctre