Developer tranh cãi việc học IT ở Việt Nam là “lỗi thời” và “lạc hậu”?
Việc du học luôn là mơ ước của nhiều người bởi cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa mới cũng như cách học và làm việc của nước bạn. Tuy vậy, ngành lập trình lại là một trong những ngành yêu cầu sinh viên phải tự học rất nhiều, đôi khi chiếm tới 90% thời lượng tiếp thu và thực hành. Do ...
Việc du học luôn là mơ ước của nhiều người bởi cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa mới cũng như cách học và làm việc của nước bạn. Tuy vậy, ngành lập trình lại là một trong những ngành yêu cầu sinh viên phải tự học rất nhiều, đôi khi chiếm tới 90% thời lượng tiếp thu và thực hành. Do đó mà có rất nhiều người cho rằng việc đi du học gần như là không cần thiết nếu bạn muốn theo nghiệp làm developer.
Đây cũng là một topic khá hot trên fanpage của cộng đồng laptrinhvienconfession khi có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.
Bắt đầu với chính người đăng confession khi cho rằng việc học lập trình tại Việt Nam có vẻ gần như… lạc hậu so với các nước khác, cậu thổ lộ:
“Em mới đi du học một khoá lập trình tại Canada được gần một năm, lúc ở Việt NAm chưa học lập trình ở đâu hết.
Sang bên này học, em thấy họ dạy những thứ rất sát với thực tế. Họ lấy Java làm ngôn ngữ mũi nhọn để dạy nền tảng lập trình và OOP, và xung quanh đó họ dạy cái cơ bản của những thứ cần thiết như SQL, GNU/Linux, Javascript/HTML/CSS, PHP, một chút low-level, một chút networking, một chút COBOL, một chút Kotlin để phát triển Android…
Toán của họ dạy trình độ ngang với học sinh lớp 9 ở VN, chỉ có thêm một môn Technical Communication (giao tiếp trong môi trường kỹ thuật), còn lại không có ba cái môn lăng nhăng nào khác. Học tương đối đơn giản, GPA rất dễ lấy > 3.5 (trên thang 4).
Khoá học không quá nặng nề để sinh viên có thể bỏ thời gian tự tìm hiểu mảng lập trình mình thích, điểm số rất thuận lợi để sau này đi xin việc. Em chưa học lập trình ở VN bao giờ nên thắc mắc không biết giờ này mấy trường đại học công lập nhà mình đang dạy cái gì nhỉ? Cấu trúc của khoá học ra sao?
Em nghe nói vẫn có những trường ôm giáo trình của mấy chục năm trước để giờ học sinh vẫn phải học mấy thứ ba lăng nhăng như Pascal với toán rời rạc phải không? Và nghe nói nữa là họ dạy những thứ khó một cách không cần thiết, không thực tế và thậm chí có những giảng viên còn tư duy theo kiểu lỗi thời? Thực sự các bác thấy học như vậy có ổn không?”
Tuy vậy, nhiều thành viên khác thì hoàn toàn không cho rằng đây là một cách nhìn đúng đắn về vấn đề và còn có phần thiển cẩn.
“Muốn học mấy cái này thì cần gì qua nước ngoài tốn tiền vậy? Qua Nhất Nghệ, Aptech hoặc mấy trung tâm lập trình họ cũng dạy vậy thôi :)))
Note nhẹ là mình tốt nghiệp Thạc Sĩ Computer Science, bằng giỏi, đại học top 10 UK nên cũng từng trải nghiệm chuyện học/làm nước ngoài rồi nhé” – Bạn Huy Hoàng Phạm chia sẻ.
“Mình nghĩ khóa học của bạn chỉ tương tự một khóa học nghề thôi. Chứ còn trình độ đại học thì chắc chắn là phải học toán, các môn lý thuyết mà bạn kêu “ba lăng nhăng” nhiều.
Không tin bạn xem chương trình học Computer Science của Stanford (Stanford đang là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu thế giới, hình như năm vừa rồi xếp thứ 2 hay sao ấy), nó sẽ còn nhiều thứ ” lăng nhăng” hơn. Nhìn chung là việc học ngôn ngữ, công nghệ là những thứ có thể tự học đc, ngôn ngữ hay công nghệ thì cũng chỉ là công cụ thôi.
Còn ở đại học người ta dạy cho mình cái nền tảng, cái tư duy là chính. Học đại học xong có thể bạn không code giỏi, nhưng bạn lại có thể (mình nói là có thể) thiết kế ra những hệ thống khủng, khiến những hệ thống đó hoạt động hiệu quả (thứ mà những người chỉ học lập trình gần như không làm hiệu quả được)”
Nhìn chung, đa phần ý kiến đều không đồng tình với chủ confession và tin rằng việc học lập trình không có quá nhiều sự khác biệt giữa trong nước và đi du học. Tuy vậy, mọi người đều đồng tình rằng nếu có cơ hội thì nên đi du học để có thể học hỏi nền văn hóa của nước bạn. Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của các bạn ở phần comment.
Techtalk