31/08/2018, 15:22

Mentor tốt giúp developer gạt đi nỗi sợ hãi chứ không phải là rào cản cho họ

“Công việc đầu tiên, a nh mentor của mình là người ít nói, hay cáu gắt và không chịu chỉ bảo. Mình thành ra có tư tưởng ngại hỏi, dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài… Nhờ những bài học từ công việc đầu tiên, mình hiểu tâm lý của các bạn mới và cố gắng giúp các bạn dễ dàng bắt ...

“Công việc đầu tiên, anh mentor của mình là người ít nói, hay cáu gắt và không chịu chỉ bảo. Mình thành ra có tư tưởng ngại hỏi, dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài… Nhờ những bài học từ công việc đầu tiên, mình hiểu tâm lý của các bạn mới và cố gắng giúp các bạn dễ dàng bắt kịp với công việc.” 

Đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thùy Trúc – một Ruby on Rails developer, mentor và IT manager của Free Range Technology.

Đọc bài phỏng vấn của ITviec với chị Trúc về thế nào là 1 mentor tốt, những thử thách của 1 IT manager nữ trẻ, và lời khuyên cho những bạn muốn theo đuổi Ruby on Rails.

Chị có thể kể về thời gian đầu làm việc của mình?

Tốt nghiệp đại học, kiến thức chủ yếu là Java nhưng mình bắt đầu công việc đầu tiên làm Ruby on Rails.

Vào công ty, mình hi vọng sẽ được training và chỉ dẫn nên học gì. Nhưng phần vì nghĩ mọi thứ khó học, phần có cảm giác mentor khó tính, không chỉ bảo. Mình thành ra có tư tưởng ngại hỏi, dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài.

Nghĩ lại khoảng thời gian đó khó khăn thật sự, mãi mới học được một ngôn ngữ mới. Sang công ty thứ hai, mình lại thấy cái gì cũng dễ hết.

Điều gì khiến chị cảm thấy mọi việc dễ dàng hơn ở công ty thứ hai?

Là do tư tưởng. Ở công ty cũ, mình mới ra trường, chưa biết nhiều; mentor lại không có cách hướng dẫn hợp lý làm mình sợ.

Thực ra người đi trước chỉ hơn mình về thời gian làm việc. Chỉ cần tích lũy kinh nghiệm và được chỉ bảo đúng chỗ là mình làm được hết.

528100_2407714609997_1222024630_nTại Free Range, chị mentor như thế nào để hỗ trợ các bạn mới?

Nhờ những bài học từ công việc đầu tiên, mình hiểu tâm lý của các bạn mới và cố gắng giúp các bạn dễ dàng bắt kịp với công việc.

Các bạn mới thấy cái gì cũng khó, mình phải kéo họ xuống, chỉ bảo từng bước nhỏ nhỏ, vừa học vừa thực hành. Nếu biết thì mình hướng dẫn; nếu không biết, mình chỉ cho người để tham khảo hoặc cùng research.

Mentor có vai trò như thế nào với developer?

Giúp đặt mục tiêu và hỗ trợ mình hoàn thành mục tiêu. Giả sử bạn muốn học Ruby. Nếu không đặt mục tiêu cụ thể, leader đưa bao nhiêu task, bạn làm bấy nhiêu, không có hệ thống mọi thứ sẽ không đi đến đâu cả.

Khi có mentor, họ sẽ giúp bạn chia thành những mục tiêu nhỏ.  Mentor có thể nói chuyện với team leader để giao task phù hợp với mục tiêu của bạn, giúp bạn đạt được mục tiêu nhanh hơn.

Mentor còn có thể hỗ trợ gì nữa không?

Mentor có thể hỗ trợ cho mentee không chỉ với công việc mà cả đời sống.

Ví dụ người đi làm thường quan tâm đến lương nhưng người mới vào thường không biết deal lương với công ty ra sao. Nhiều công ty rất keo kiệt, nhân viên không hỏi tăng lương họ cũng im luôn.

Làm mentor, mình thường review lương xem có quá thấp hay không. Nếu thấp, mình tìm cách để người đó thể hiện, rồi nói với sếp bạn đó làm tốt mà lương thấp quá nên phải điều chỉnh cho nó đi.

Nếu không có mentor, dev phải làm gì để deal lương của mình?

Mình phải chủ động đòi quyền lợi cho mình, không nên ngại nói chuyện về lương với sếp. Thường các công ty phải tăng lương 6 tháng một lần hay 1 năm lần. Trải qua thời gian đó không thấy tăng lương mình phải hỏi.

Chị có mentor không?

Đó là Dan Shupp, CEO FreeRange nhưng sếp hay đi nước ngoài nên mình không hỏi được nhiều. Mình nghĩ mentor phù hợp nhất là cùng ngôn ngữ. Trao đổi tự nhiên, sâu sắc nhiều khía cạnh và dễ dàng hơn nhiều.

Chị Trúc và Free Range team (ngồi thứ hai từ bên trái)

Điều gì đưa chị tới vị trí manager?

Thứ nhất: trong team mình gần như lớn tuổi nhất nên suy nghĩ của mình chín chắn hơn.

Thứ hai: làm IT manager ngoài giỏi về kiến thức kỹ thuật mình cần có khả năng tư duy logic tốt. Mình may mắn có được khả năng học nhanh và đọng lại được nhiều kiến thức.

Thứ ba: trong công ty, mình được anh em tin tưởng. Tính mình dễ gần, làm việc nhiệt tình, ai cần là mình support, training hết mình chứ không giữ lại gì cả. Có lẽ mọi người thấy được cái tâm làm việc của mình nên mình có được vị trí này.

Thời gian đầu làm manager thử thách của chị là gì?

Trong công ty có hai người có thâm niên ngang bằng mình. Lúc mới lên mình không có tự tin lead những người này.

Mình phải chứng minh khả năng bằng cách giúp họ vượt qua được vướng mắc trong công việc. Mình có thể chỉ ra những điểm có thể cải thiện và định hướng cho công việc của họ. Từ đó mình cảm thấy tự tin với vị trí manager của mình.

Khó khăn lớn nhất từng gặp phải ở vị trí manager?

Đó là thời kỳ công ty cũ sắp phá sản do nhà đầu tư rút vốn. Lúc đó, tinh thần anh em trong công ty rất uể oải, tâm lý làm cho xong, nhiều người muốn bỏ. Nhưng mình nghĩ đã theo project thì phải làm đến cùng, mai kia người ta còn dùng nên đừng làm qua loa. Hơn nữa nếu làm qua loa thì mình không tiến bộ được.

Vậy là mình ở lại, anh em thấy thế chả lẽ để mình làm một mình. Công ty mình nhận vốn từ bên ngoài nên khách hàng phải approve project, nhà đầu tư mới chuyển lương cho anh em. Vậy là mọi người làm với nhau hết project đó. Lúc đó, anh em cũng bị thiệt vì công ty chậm lương mất nửa tháng mà trả được có 70% lương.

Chị có thể gợi ý một số tài liệu cho các bạn muốn học Ruby on Rails?

Có một số tài liệu hữu ích mà mình thường sử dụng cho bạn muốn học:

  1. Guides RoR: //guides.rubyonrails.org/
  2. Ruby On Rails Tutorial, second edition – Learn Web Development with Rails
  3. Agile Web Development with Rails
  4. The Ruby Programming Language

Chị muốn khuyên dev điều gì?

Thứ nhất: khi bắt đầu một công việc mới, không nên có tư tưởng nhìn mọi thứ đều khó rồi không làm gì cả. Hỏi người xung quanh, dùng google để research… Mình nghĩ trừ khi mình không muốn chứ việc gì cũng có thể làm được hết.

Thứ hai: muốn học gì cũng phải có kế hoạch cụ thể và tự giám sát kết quả học của mình. Lên kế hoạch: Học bao nhiêu giờ một ngày? Học những chương nào? Mục tiêu trong bao lâu mình sẽ học xong ngôn ngữ này? Khi bắt đầu, mỗi ngày kiểm tra xem mình có theo đúng plan không? Có trượt deadline không? Điều này mình đã học được từ agile method.

Thứ ba: khi làm việc phải có tư tưởng làm việc cho bản thân chứ không phải làm cho sếp hay cho công ty. Hơn nữa, sản phẩm làm ra để mọi người sử dụng, nên phải làm đến nơi đến chốn. Việc gì cũng vậy, phải có tư tưởng đúng mới thành công được.

Cám ơn chị về những chia sẻ với ITviec.

Cám ơn ITviec.

Bạn có thể tham khảo thêm các vị trí tuyển dụng IT Manager mới nhất tại đây.

0