Người phụ nữ Việt Nam thay đổi ngành y tế thế giới bằng blockchain
Bà Quy Võ-Reinhard là nhà đồng sáng lập và giám đốc dữ liệu tại HIT Foundation, đồng thời là cố vấn AI của LAPO Blockchain (Thụy Sĩ). Bà là một trong 9 thành viên đầu tiên của mạng lưới “Người Việt có tầm ảnh hưởng thế giới”. Bà Võ Cẩm Quy (Quy Võ-Reinhard) xuất thân ...
Bà Quy Võ-Reinhard là nhà đồng sáng lập và giám đốc dữ liệu tại HIT Foundation, đồng thời là cố vấn AI của LAPO Blockchain (Thụy Sĩ). Bà là một trong 9 thành viên đầu tiên của mạng lưới “Người Việt có tầm ảnh hưởng thế giới”.
Bà Võ Cẩm Quy (Quy Võ-Reinhard) xuất thân từ ngành Công Nghệ Sinh Học, Đại học Khoa học Tự Nhiên. Sau khi tốt nghiệp, bà ở lại công tác tại khoa Sinh học và từng giữ chức vụ phó trưởng khoa.
Sau đó, bà chuyển công tác tới trường SISSA (Trieste, Ý) và làm tiến sĩ tại đại học RWTH Aachen (Đức). Bà tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Concordia (Montreal, Canada), rồi quay lại làm giảng viên và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stuttgart (Đức).
Bà từng là giảng viên trong lĩnh vực y học – sinh học tính toán, tin sinh học, lập trình cho nhà sinh học, chế tạo dược phẩm. Sau đó, bà đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp phát triển enzyme với một đội ngũ trẻ ở Đức. Bà đã có 15 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin trong dược học và y học.
Hiện nay, bà Võ Cẩm Quy là nhà đồng sáng lập và giám đốc dữ liệu tại HIT Foundation (Thụy Sĩ). Bà chịu trách nhiệm sử dụng thông tin chăm sóc sức khỏe như một tài sản thông qua các phương tiện công nghệ thông tin khác nhau. Trong số đó có xây dựng kiến trúc, xác thực dữ liệu và quyền riêng tư, xử lý dữ liệu, phân tích, khai thác dữ liệu, giao dịch thông tin, tính toán giá cả trong blockchain,…
Chia sẻ về kinh nghiệm trong lĩnh vực blockchain, bà nói: “Tôi đã học về blockchain bằng cách đọc rất nhiều sách, vừa học vừa thực hành. Kiến thức chuyên sâu của tôi đến từ nhiều khía cạnh khác nhau: từ cơ sở dữ liệu đến học máy, từ tính toán hiệu năng cao đến xử lý dữ liệu. Big data cũng giúp tôi nâng cao kiến thức về blockchain”.
Là một trong những thành viên sáng lập, bà cũng tham gia vào quá trình lựa chọn đối tác và gây quỹ: “Thử thách khó khăn nhất trong công việc này, giống như trong bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, là có quá ít người nhưng lại quá nhiều việc. May mắn thay, chúng tôi có một đội ngũ tuyệt vời hỗ trợ lẫn nhau với một tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng”.
“Bạn biết đấy, trong tương lai, dữ liệu chính là tiền. HIT Foundation là một nền tảng toàn cầu, trong khi mỗi quốc gia lại có quy định riêng về dữ liệu và dữ liệu sức khỏe. Chúng tôi vừa phải xây dựng chiến lược cho dữ liệu sức khỏe, tích hợp nó vào kiến trúc công nghệ thông tin của chúng tôi nhưng vẫn phải tuân thủ quy định ở các quốc gia khác nhau. Đó là những thách thức thực sự lớn”.
Trước mắt, HIT Foundation có kế hoạch thực hiện nền tảng này trên toàn cầu, đang tập trung vào thị trường châu Âu và châu Á. Sau khi hoàn thành chương trình thiết lập ban đầu và kết thúc giai đoạn mở rộng 5 năm, nền tảng này sẽ biến thành một ứng dụng độc lập.
Đối với các kế hoạch cá nhân của riêng, tiến sĩ cho biết sắp tới có thể bà sẽ ứng dụng blockchain vào chuỗi cung ứng trong nông nghiệp. Ngành nông nghiệp hiện đang là ngành thiếu thông tin nghiêm trọng nhất, do thiếu khả năng tương tác và dữ liệu không nhất quán hoặc không có sẵn.
Hơn nữa, bà cũng dự định bắt đầu dự án của riêng mình để giúp phụ nữ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam để thu hẹp khoảng cách giới, thay đổi nhận thức của xã hội và giúp phụ nữ nắm bắt công nghệ. Bà nói: “Tôi muốn giúp phụ nữ Việt Nam tiếp cận công nghệ tốt hơn”.
“Tôi sẽ dành cả cuộc đời mình để cố gắng đóng góp vào sự đổi mới, biến xã hội thành nơi công bằng, bình đẳng và mọi người đều chia sẻ lợi ích như nhau. Tôi hy vọng sẽ xây dựng một giải pháp có thể giúp mọi người. Khoảng 3,8 tỷ người hiện nay chưa được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe một cách đúng mức, vì nghèo đói. Chúng tôi (HIT Foundation) hy vọng rằng có thể giúp cộng đồng giải quyết một phần vấn đề này” – bà Võ Cẩm Quy chia sẻ.
Mới đây, bà đã về nước chủ động xây dựng dự án blockchain cho chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam và hiện đã chuyển giao công nghệ này hoàn toàn phi lợi nhuận cho hai bệnh viện trong nước. Bà nói: “Mãi mãi tôi sẽ là người Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng đem tất cả những gì mình có thể để ứng dụng ở Việt Nam. Một khi tôi đã mong muốn thì tôi sẽ đeo đuổi đến cùng tôi làm”.
Bà Võ Cẩm Quy vẫn đi về liên tục giữa Thụy Sĩ và Việt Nam để thuyết phục các bệnh viện trong nước áp dụng công nghệ blockchain chăm sóc y tế cho người nghèo.
Techtalk via cafef