Tiền bạc sẽ không giúp bạn trở thành một lập trình viên hạnh phúc
Tất cả chúng ta thường hay nghe nói rằng “tiền bạc không thể mua được hạnh phúc”, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự tin vào điều đó? Chắc chắn là nếu nghĩ thoáng qua, tôi cho rằng hầu hết chúng ta đều có khuynh hướng đồng ý với quan điểm để trở nên hạnh ...
Tất cả chúng ta thường hay nghe nói rằng “tiền bạc không thể mua được hạnh phúc”, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự tin vào điều đó?
Chắc chắn là nếu nghĩ thoáng qua, tôi cho rằng hầu hết chúng ta đều có khuynh hướng đồng ý với quan điểm để trở nên hạnh phúc thì không chỉ mỗi có nhiều tiền, vì có một số thứ vô hình nhưng lại quý giá vô cùng trong cuộc sống của chúng ta.
Nhưng nếu suy nghĩ sâu hơn, hầu hết chúng ta đều thực sự tin rằng tiền sẽ giúp giải quyết tất cả các vấn đề mà mình gặp phải trong cuộc sống. Thật khó để phủ nhận điều đó, bởi vì cuộc sống của chúng ta thường xoay quanh chuyện tiền bạc và chúng ta luôn tìm mọi cách để có được nó nhiều hơn.
Chúng ta đi làm việc mỗi ngày để có tiền về nuôi vợ con. Chúng ta cố gắng cải thiện kỹ năng của mình để có được một công việc tốt hơn hoặc để được thăng chức, chủ yếu cũng vì mục đích kiếm tiền.
Không có gì sai trái với tất cả những điều đó cả. Chúng ta không thể giả vờ như thể tiền là chẳng quan trọng. Nhưng có một điều gì đó sai lầm khi tin rằng: nếu bạn có một số tiền lớn hoặc thậm chí nổi tiếng thì điều đó sẽ giúp cho bạn sống một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc.
Tôi đã nói về vấn đề này từ khá lâu rồi, nhưng lúc đó tôi không đưa ra được một ví dụ cụ thể, cho đến khi tôi tình cờ đọc được một bài viết khá buồn vào hôm nay.
Có hơn 1 tỷ đô-la (hơn 20.000 tỷ VNĐ) nhưng anh ta vẫn không hạnh phúc…
Markus Persson là một lập trình viên người Thụy Điển, người đã tạo ra trò game Minecraft vào một ngày cuối tuần trong năm 2009. Gần đây anh đã bán công ty của mình cho Microsoft với giá 2,5 tỷ USD, và khiến anh trở thành tỷ phú một cách dễ dàng.
Với số tiền khủng đó, liệu anh ta có trở nên hạnh phúc? Anh sẽ sống một cuộc đời thượng lưu và tiệc tùng mỗi ngày. Mọi người đều yêu thích anh ta và anh có thể có bất cứ thứ gì mà mình muốn. Anh ta sẽ không phải làm việc nữa và sống một cuộc sống hưởng thụ. Đó là công thức hoàn hảo để đạt được hạnh phúc viên mãn?
Sai rồi! Trong thực tế, anh ta còn chán nản hơn bao giờ hết.
Chỉ cần đọc qua một số status của Persson trên mạng xã hội Twitter mà đã được đăng lại trong bài báo này. Hoặc bạn chỉ cần lướt qua tài khoản Twitter của anh ta thì cũng đã thấy được nhiều điều.
Khi bạn đọc những status đó, bạn sẽ thấy anh ta không những tỏ ra không hạnh phúc, mà còn trở nên chán đời nữa. Anh ta dường như tuyệt vọng về các bạn bè của mình. Tuyệt vọng để tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình, cũng như cảm thấy không hạnh phúc và mất mát.
Tôi nghĩ nội dung tweet này của anh ta nó thể hiện rõ nhất điều đó:
“Vấn đề xảy ra khi bạn có tất cả mọi thứ là bạn sẽ chẳng còn lý do gì để cố gắng nữa, và sự tương tác giữa con người với nhau trở nên không thể do sự mất cân bằng.”
Thậm chí Markus kiếm được số tiền đó nhờ sự nỗ lực chứ không phải do trúng số
Anh ta đã tạo ra một trò game và một công ty rồi bán nó để kiếm ra số tiền khổng lồ. Số tiền đó không phải từ trên trời rơi xuống. Có thể Markus gặp một chút may mắn, nhưng anh vẫn cảm thấy khá tự hào về thành tựu của mình.
Markus ta đã tạo ra một trò game cực kỳ phổ biến và anh xứng đáng với số tiền mà mình nhận được, nhưng anh vẫn không hạnh phúc. Đối với tôi, đó là một điều đáng để suy ngẫm.
Chính điều này đã làm cho tôi phải xem xét lại những gì mà mình đang phấn đấu và liệu nó thực sự có giá trị hay không.
Tôi chưa đạt được thành công lớn như Markus, nhưng tôi cũng cảm thấy cảm giác đó trong bản thân mình. Chỉ một vài năm trước đây, lúc đó tôi thường nghĩ về sự tuyệt vời khi mà mình sẽ được “nghỉ hưu non” và không phải làm việc chút nào nữa.
Tôi nhớ lại những cảm giác tuyệt vời khi mình viết xong một cuốn sách và trở thành “một tác giả viết sách đích thực”. Và lúc đầu tôi có cảm giác rất hân hoan. Nhưng sau đó thì mọi thứ trở nên rất bình thường.
Tôi nhận ra rằng việc đạt được tất cả những thứ mà mình mong muốn và phấn đấu không thực sự làm cho tôi hạnh phúc. Tôi thấy mình trở nên quen thuộc với thực tế mới của mình và thậm chí còn cho đó là điều hiển nhiên. Tệ hơn nữa, tôi thấy mình lại muốn đạt được thậm chí nhiều hơn thế.
Là một lập trình viên, thật khó để tưởng tượng về việc đạt được nhiều thành tựu hơn Markus đã làm. Anh ta không chỉ đã phát triển một trò game siêu thành công, mà anh đã bán nó để kiếm được hàng tỷ đô-la khi tuổi đời còn rất trẻ.
Markus đã cho chúng ta thấy về những gì mà mọi người thường hướng tới và anh đã cho chúng ta thấy mặt trái của nó, trước khi điều đó là quá muộn đối với chúng ta.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng để thành công
Chúng ta cần phải nhận ra rằng sự thành công và tiền bạc không phải là đích đến cuối cùng và những thứ đó sẽ chẳng làm cho ta hạnh phúc và cảm thấy viên mãn trong cuộc sống này.
Bạn cố gắng và phấn đấu cho một điều gì đó và cuối cùng bạn đạt được nó, và sau đó thay vì mừng rỡ thì bạn lại có cảm giác như mình bị mất mát một cái gì đó, bạn cảm thấy như mình không còn mục đích trong cuộc sống nữa.
Cũng giống như việc bạn ném một mũi tên về phía trước, cố gắng vươn tới nó, cầm nó lên, và lại ném nó về phía trước, rồi lại cố hết sức đuổi theo nó. Đó chính là chìa khóa cho cuộc sống này. Niềm vui không không phải ở lúc bạn nhặt mũi tên lên hoặc thậm chí ném nó đi, mà bạn sẽ có niềm vui và hạnh phúc trong khi đuổi theo nó, cứ lặp đi lặp lại như vậy.
Tôi chắc là bạn đã nghe nói về điều này nhiều lần rồi, nhưng đời sống là một cuộc hành trình, hãy thích thú với cuộc hành trình đó. Đó là sự thật. Chúng ta phải tập trung vào chính cuộc hành trình của mình. Chúng ta phải nhận ra rằng những gì mình đang làm bây giờ là một phần của niềm vui.
Thế còn bạn thì sao?
Khi bạn ngồi xuống bàn của mình để làm việc, bạn có đang mong ước một điều gì đó khác, hay là bạn có thể ôm lấy trọn vẹn và tận hưởng từng phút giây làm việc đó?
Bạn nghĩ về những công việc mà mình làm mỗi ngày như một cực hình hay là một đặc ân? Nó là một phương tiện để kết thúc, hay cung cấp cho bạn giá trị trong bản thân nó?
Bạn có nhận thấy rằng 90% sự thích thú bạn nhận được trong cuộc sống sẽ đến từ những công việc khó khăn và chỉ có 10% đến từ những phần thưởng mà nó mang lại? Quan trọng hơn, liệu bạn đã học được cách để sống với bản thân mình?
Xin nhắc lại, tôi không nói rằng “đừng có tham vọng.” Tôi không nói rằng “đừng đặt ra những tiêu chuẩn và mục tiêu quá cao cho chính mình.” Thực ra tôi luôn khuyến khích bạn làm điều đó.
Nhưng những gì tôi cảnh báo bạn ở trên là cái cách bạn tiếp cận nó. Đừng nghĩ rằng việc đạt đến cấp độ tiếp theo sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc. Đừng có tua nhanh cuộc đời bạn để cố gắng kiếm được những phần tốt đẹp. (Nếu bạn sống hối hả, bạn sẽ thấy mình không thể sống chậm lại được nữa.)
Thay vào đó, hãy tập trung sống một cách trọn vẹn và hạnh phúc trong phút giây hiện tại này. Hãy nhận ra rằng bất cứ điều gì bên ngoài bản thân bạn sẽ chẳng thể mang lại cho bạn một niềm hạnh phúc dài lâu, bởi vì nó có thể sẽ bị tước đi mất.
Nhận ra rằng, ngay lúc này đây, trong khoảnh khắc hiện tại nơi bạn đang ngồi đọc bài viết này, cuộc sống của bạn vẫn đang tiếp tục diễn ra. Và nếu bạn có tình cờ bắt gặp tôi ở một nơi nào đó trên con đường đời, thì hãy dừng lại bắt tay và nhắc nhở tôi về điều đó nhé!
Techtalk via Techmaster