Tìm hiểu cơ bản hệ thống quản lý phiên bản phần mềm Git
1. Git là gì Git là một hệ thống VCS (Version Control System) dùng để quản lý và kiểm tra các phiên bản source code khác nhau trong quá trình phát triển. Trên Git, có thể lưu trạng thái của file khi có nhu cầu dưới dạng lịch sử cập nhật. Vì thế, có thể đưa file đã chỉnh sửa một lần về trạng ...
1. Git là gì
Git là một hệ thống VCS (Version Control System) dùng để quản lý và kiểm tra các phiên bản source code khác nhau trong quá trình phát triển.
Trên Git, có thể lưu trạng thái của file khi có nhu cầu dưới dạng lịch sử cập nhật. Vì thế, có thể đưa file đã chỉnh sửa một lần về trạng thái cũ hay có thể hiển thị sự khác biệt ở nơi chỉnh sửa.
Thêm nữa, khi định ghi đè (overwrite) lên file mới nhất đã chỉnh sửa của người khác bằng file đã chỉnh sửa dựa trên file cũ, thì khi đăng (upload) lên server sẽ hiện ra cảnh cáo. Vì thế, sẽ không xảy ra thất bại về việc đã ghi đè lên nội dung chỉnh sửa của người khác mà không hề hay biết.
2. Git khác với các hệ thống quản lý phiên bản khác như thế nào
Các hệ thống quản lý phiên bản khác như: Subversion, Perforce, Bazaar,... coi thông tin được lưu trữ như là một tập hợp các tập tin và các thay đổi được thực hiện trên mỗi tập tin theo thời gian, được minh hoạ trong hình dưới đây:
Git không nghĩ hoặc xử lý dữ liệu theo cách này. Mà thay vào đó Git coi dữ liệu của nó giống như một tập hợp các "ảnh" (snapshot) của một hệ thống tập tin nhỏ. Mỗi lần bạn "commit", hoặc lưu lại trạng thái hiện tại của dự án trong Git, về cơ bản Git "chụp một bức ảnh" ghi lại nội dung của tất cả các tập tin tại thời điểm đó và tạo ra một tham chiếu tới "ảnh" đó. Để hiệu quả hơn, nếu như tập tin không có sự thay đổi nào, Git không lưu trữ tập tin đó lại một lần nữa mà chỉ tạo một liên kết tới tập tin gốc đã tồn tại trước đó. Git thao tác với dữ liệu giống như hình dưới đây:
3. Hoạt động diễn ra trong Git như thế nào
Phần lớn các thao tác/hoạt động trong Git chỉ cần yêu cầu các tập tin hay tài nguyên cục bộ - thông thường nó sẽ không cần bất cứ thông tin từ máy tính nào khác trong mạng lưới của bạn. Nếu như bạn quen với việc sử dụng các hệ thống quản lý phiên bản tập trung nơi mà đa số hoạt động đều chịu sự ảnh hưởng bởi độ trễ của mạng, thì với Git đó lại là một thế mạnh. Bởi vì toàn bộ dự án hoàn toàn nằm trên ổ cứng của bạn, các thao tác được thực hiện gần như ngay lập tức.
Ví dụ, khi bạn muốn xem lịch sử của dự án, Git không cần phải lấy thông tin đó từ một máy chủ khác để hiển thị, mà đơn giản nó được đọc trực tiếp từ chính cơ sở dữ liệu cục bộ của bạn. Điều này có nghĩa là bạn có thể xem được lịch sử thay đổi của dự án gần như ngay lập tức. Nếu như bạn muốn so sánh sự thay đổi giữa phiên bản hiện tại của một tập tin với phiên bản của một tháng trước, Git có thể tìm kiếm tập tin cũ đó trên máy cục bộ rồi sau đó so sánh sự khác biệt cho bạn. Thay vì việc phải truy vấn từ xa hoặc "kéo về" (pull) phiên bản cũ của tập tin đó từ máy chủ trung tâm rồi mới thực hiện so sánh cục bộ.
Điều này còn đồng nghĩa với có rất ít việc mà bạn không thể làm được khi không có kết nối Internet hoặc VPN bị ngắt. Nếu bạn muốn làm việc ngay cả khi ở trên máy bay hoặc trên tầu, bạn vẫn có thể commit bình thường cho tới khi có kết nối Internet để đồng bộ hoá. Nếu bạn đang ở nhà mà VPN lại không thể kết nối được, bạn cũng vẫn có thể làm việc bình thường. Trong rất nhiều hệ thống khác, việc này gần như là không thể hoặc rất khó khăn. Ví dụ trong Perforce, bạn gần như không thể làm gì nếu như không kết nối được tới máy chủ; trong Subversion và CVS, bạn có thể sửa tập tin nhưng bạn không thể commit các thay đổi đó vào cơ sở dữ liệu (vì cơ sở dữ liệu của bạn không được kết nối). Đây có thể không phải là điều gì đó lớn lao, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên về sự thay đổi lớn mà nó có thể làm được.
4. Git dùng gì để lưu trữ
Mọi thứ trong Git được "băm" (checksum or hash) trước khi lưu trữ và được tham chiếu tới bằng mã băm đó. Có nghĩa là việc thay đổi nội dung của một tập tin hay một thư mục mà Git không biết tới là điều không thể. Chức năng này được xây dựng trong Git ở tầng thấp nhất và được coi là toàn vẹn. Bạn không thể mất thông tin/dữ liệu trong khi truyền tải hoặc nhận về một tập tin bị hỏng mà Git không phát hiện ra.
Cơ chế mà Git sử dụng cho việc băm này được gọi là mã băm SHA-1. Đây là một chuỗi được tạo thành bởi 40 ký tự của hệ cơ số 16 (0-9 và a-f) và được tính toán dựa trên nội dung của tập tin hoặc cấu trúc thư mục trong Git. Một mã băm SHA-1 có định dạng như sau:
24b9da6552252987aa493b52f8696cd6d3b00373
Bạn sẽ thấy các mã băm được sử dụng ở mọi nơi trong Git. Thực tế, Git không sử dụng tên của các tập để lưu trữ mà bằng các mã băm từ nội dung của tập tin vào một cơ sở dữ liệu có thể truy vấn được.
5. Dữ liệu ở trong Git
Khi bạn thực hiện các hành động trong Git, phần lớn tất cả hành động đó đều được thêm vào cơ sở dữ liệu của Git. Rất khó để yêu cầu hệ thống thực hiện một hành động nào đó mà không thể khôi phục lại được hoặc xoá dữ liệu đi dưới mọi hình thức. Giống như trong các VCS khác, bạn có thể mất hoặc làm rối tung dữ liệu mà bạn chưa commit; nhưng khi bạn đã commit thì rất khó để mất các dữ liệu đó, đặc biệt là nếu bạn thường xuyên đẩy (push) cơ sở dữ liệu sang một kho chứa khác.
Điều này khiến việc sử dụng Git trở nên thích thú bởi vì chúng ta biết rằng chúng ta có thể thử nghiệm mà không lo sợ sẽ phá hỏng mọi thứ. Để có thể hiểu sâu hơn việc Git lưu trữ dữ liệu như thế nào hay làm sao để khôi phục lại dữ liệu có thể đã mất.
6. Các trạng thái trong Git
Mỗi tập tin trong Git được quản lý dựa trên ba trạng thái: committed, modified, và staged.
- Committed: dữ liệu đã được lưu trữ một cách an toàn trong cơ sở dữ liệu.
- Modified: đã thay đổi tập tin nhưng chưa commit vào cơ sở dữ liệu.
- Staged: đã đánh dấu sẽ commit phiên bản hiện tại của một tập tin đã chỉnh sửa trong lần commit sắp tới.
Điều này tạo ra ba phần riêng biệt của một dự án sử dụng Git: thư mục Git, thư mục làm việc, và khu vực tổ chức (staging area).
Thư mục Git là nơi Git lưu trữ các "siêu dữ kiện" (metadata) và cơ sở dữ liệu cho dự án của bạn. Đây là phần quan trọng nhất của Git, nó là phần được sao lưu về khi bạn tạo một bản sao (clone) của một kho chứa từ một máy tính khác.
Thư mục làm việc là bản sao một phiên bản của dự án. Những tập tin này được kéo về (pulled) từ cơ sở dữ liệu được nén lại trong thư mục Git và lưu trên ổ cứng cho bạn sử dụng hoặc chỉnh sửa.
Khu vực khán đài là một tập tin đơn giản được chứa trong thư mục Git, nó chứa thông tin về những gì sẽ được commit trong lần commit sắp tới. Nó còn được biết đến với cái tên "chỉ mục" (index), nhưng khu vực tổ chức (staging area) đang dần được coi là tên tiêu chuẩn.
Tiến trình công việc (workflow) cơ bản của Git:
- Bạn thay đổi các tập tin trong thư mục làm việc.
- Bạn tổ chức các tập tin, tạo mới ảnh của các tập tin đó vào khu vực tổ chức.
- Bạn commit, ảnh của các tập tin trong khu vực tổ chức sẽ được lưu trữ vĩnh viễn vào thư mục Git.
Nếu một phiên bản nào đó của một tập tin ở trong thư mục Git, nó được coi là đã commit. Nếu như nó đã được sửa và thêm vào khu vực tổ chức, nghĩa là nó đã được staged. Và nếu nó được thay đổi từ khi checkout nhưng chưa được staged, nó được coi là đã thay đổi.
7. Tại sao nên sử dụng Git
Có rất nhiều lợi thế để bạn nên sử dụng Git trong việc lập trình, bất kể là lập trình cái gì đi chăng nữa.
- Git dễ sử dụng, an toàn và nhanh chóng.
- Có thể giúp quy trình làm việc code theo nhóm đơn giản hơn rất nhiều bằng việc kết hợp các phân nhánh (branch).
- Bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu vì chỉ cần clone mã nguồn từ kho chứa hoặc clone một phiên bản thay đổi nào đó từ kho chứa, hoặc một nhánh nào đó từ kho chứa.
- Dễ dàng trong việc deployment sản phẩm.
- Và nhiều hơn thế nữa.
Nguồn: https://git-scm.com, internet