Con người là giá trị của start-up
“Bất kể ngành nào, giá trị của startup là từ những con người gia nhập vào startup đó.” Cùng đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Nguyễn Ngọc Nhân – Đồng Sáng Lập và cũng là Phó Giám Đốc của Agilsun – để nghe anh chia sẻ về: Những thử thách anh đã trải qua để thành lập một IT ...
“Bất kể ngành nào, giá trị của startup là từ những con người gia nhập vào startup đó.”
Cùng đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Nguyễn Ngọc Nhân – Đồng Sáng Lập và cũng là Phó Giám Đốc của Agilsun – để nghe anh chia sẻ về:
- Những thử thách anh đã trải qua để thành lập một IT startup
- Lời khuyên anh dành cho các bạn trẻ muốn thành lập một IT startup
- Sai lầm mắc phải và bài học mà anh rút ra trong sự nghiệp của mình
Tiểu sử: Không may bị di chứng sau ca mổ ruột thừa, anh Nhân bị liệt nửa người từ lúc 9 tháng tuổi. Đến độ tuổi học nói, anh còn gặp phải khó khăn trong việc phát âm. Qua nhiều năm tập phục hồi chức năng, sức khỏe của anh cũng đã khá hơn, nhưng vẫn không bình phục hoàn toàn.
Sau khi tốt nghiệp đại học Khoa Học Tự Nhiên ngành CNTT năm 2012, anh Nhân gặp nhiều khó khăn lúc tìm kiếm việc làm, do nhiều công ty Việt Nam e ngại rủi ro và chi phí phát sinh trong việc tuyển người khuyết tật. Đầu năm 2013, anh có được công việc đầu tiên, làm về web tại Technologic Arts Vietnam, một công ty của Nhật. Một thời gian sau, anh tham gia dự án iOS, rồi càng làm càng nhận ra iOS là đam mê của mình. Tháng 7 năm 2013, anh cùng hai người bạn thành lập Agilsun, một công ty chuyên về phát triển Web và ứng dụng di động.
IT là một thị trường rất rộng, vậy anh đã xác định ngách thị trường của mình như thế nào?
Ban đầu anh làm với thị trường trong nước, sau này mới phát triển ra nước ngoài. Vì đã có kinh nghiệm về web service, web app, web, iOS, Android, nên anh hướng công ty đến dịch vụ outsource cho các mảng này.
Từ đầu năm 2015, anh dần chuyển hướng công ty thành một công ty product. Hiện tại một trong những sản phẩm mà Agilsun đang thực hiện là một hệ thống thương mại điện thử dành cho thị trường Úc – Deemall.
Tất nhiên là trong lúc chuyển hướng, anh vẫn duy trì thế mạnh outsource hiện tại của công ty.
Vì sao Agilsun lại chuyển hướng từ outsource sang product?
Đây là xu hướng chung của các công ty IT Outsource. Việc outsourcing ban đầu là tạo ra một nền tảng về nhân sự, năng lực, quy trình và độ gắn kết cần thiết. Khi tạo được một bề dày năng lực đủ mạnh, các công ty outsource có xu hướng trích một phần nguồn lực của mình để phát triển sản phẩm riêng của công ty.
Ngoài ra, theo cá nhân anh nhận định, thị trường outsource là thị trường khá cạnh tranh, mà công ty muốn đi lâu dài thì phải có sản phẩm riêng để duy trì công ty.
Việc chuyển từ outsource sang product cần đi từng bước một. Ban đầu có thể trích 15-20% nguồn lực của công ty để phát triển sản phẩm, nhưng sau đó để sản phẩm được tốt thì phải đầu tư nhiều thời gian hơn.
Sự khác nhau giữa công ty outsourcing và công ty product là gì ạ?
Về kỹ năng nói chung để làm việc của hai loại hình công ty nhìn chung không khác nhiều. Nhưng khi làm sản phẩm của mình, khác với outsource, mình cần chú ý nhiều yếu tố khác ngoài kỹ thuật:
1) Marketing để quảng bá sản phẩm. Agilsun chọn liên kết với các agency Marketing để làm các chiến dịch quảng bá sản phẩm cho công ty.
2) Tính viral của sản phẩm. Suy sét sự kết hợp giữa tính năng, thiết kế và trải nghiệm người dùng để tạo nên một sản phẩm hoàn thiện, khiến người dùng thích thú mà truyền miệng nhau.
3) Cân nhắc độ lớn thị trường: Nên chọn thị trường Việt Nam, Singapore, Úc, Mỹ hay châu Âu để làm nơi phát triển sản phẩm?
Theo anh, những yếu tố nào quyết định sự thành công của một IT startup?
Anh nghĩ có 3 yếu tố:
1) Nhân lực là yếu tố quyết định. Bất kể ngành nào, giá trị của startup là từ những con người gia nhập vào startup đó. Như Agilsun thời điểm đầu, người đi kẻ vào liên tục, dẫn đến vấn đề người mới chưa tiếp thu được cái người cũ bỏ lại, nên dự án phát triển không tốt.
2) Cần có mục tiêu cụ thể, và lập chiến lược để hoàn thành mục tiêu. Ví dụ như từ ngày đầu, anh đã định hướng là thành lập đủ bốn phòng ban: kế toán, kinh doanh, nhân sự, kỹ thuật; và anh cố gắng tuyển dụng cho đủ. Những mục tiêu cơ bản ban đầu mà anh nghĩ các bạn cần chú ý là: nhân lực phát triển bao nhiêu, sản phẩm là gì, doanh thu dự kiến ra sao, chi phí để duy trì phát triển tiếp thế nào.
3) Networking. Tức là mở rộng mối quan hệ để làm nền tảng phát triển nguồn lực, sự hợp tác… Như Agilsun, anh chỉ sử dụng website tuyển dụng để tìm duy nhất một người. Những nhân tài còn lại đều thông qua mối quan hệ của anh ở trường mà tìm được, cụ thể là các sinh viên khóa sau. Anh tạo điều kiện cho các bạn thực tập, rồi nếu muốn gắn bó với công ty, anh hoan nghênh ở lại luôn.
Developer cần làm gì ngay hôm nay để thành lập một IT startup trong vòng sáu tháng tới?
Để thành lập một doanh nghiệp, developer cần xác định bạn muốn làm gì, và đưa ra mục tiêu ít nhất là trong sáu tháng, ví dụ như xây dựng một team phát triển sản phẩm/ outsource. Đặt mục tiêu để mình hướng tới.
Tìm đối tác đi chung với mình. Đi chung để bổ sung cho cái mình còn thiếu. Anh là Chief Technology Officer (Anh làm chuyên về mặt kỹ thuật), anh quản lý về mặt kỹ thuật và kinh doanh, do đó anh kết hợp với một bạn quản lý kế toán, một bạn quản lý tài chính. Theo trải nghiệm của anh, hai yếu tố trên là then chốt để thành lập một công ty IT. Công ty IT không thể chỉ biết mỗi IT và chỉ toàn developer.
Điểm cộng và điểm trừ của việc thành lập doanh nghiệp là gì vậy anh?
Có hai điểm cộng. Thứ nhất là anh có thể làm những điều mình muốn, thực hiện đam mê của mình về những sản phẩm cho bản thân mình.
Thứ hai là anh có cơ hội rèn luyện các kỹ năng khác ngoài kỹ thuật, ví dụ như: lên kế hoạch, làm việc với khách hàng, quản lý nhóm, mở rộng mối quan hệ.
Điểm trừ là rủi ro và xác suất thất bại khá cao. Tỉ lệ thất bại của startup là 90%. Lí do thất bại lớn nhất là do định hướng chưa tốt, cách đi chưa phù hợp với thị trường. Ngoài ra, nhân lực không ổn định cũng là rủi ro lớn cho doanh nghiệp.
Những thử thách anh từng gặp khi thành lập Agilsun là gì?
Vì gốc anh là dân IT, nên khi thành lập công ty, anh gặp nhiều khó khăn về quản lý, thủ tục hành chính, giấy tờ, gặp và thương lượng với khách hàng. Nhưng khó khăn lớn nhất là về nhân sự, vì con người chính là yếu tố then chốt để thành lập công ty.
Vậy anh đã vượt qua thử thách đó như thế nào?
Do mới thành lập, vốn có hạn, anh không thể thuê người có kinh nghiệm lâu năm. Vì vậy anh tập trung tuyển dụng các bạn trẻ mới ra trường hoặc mới đi làm một thời gian ngắn.
Thời gian đầu, số người vào ra rất nhiều. Qua nói chuyện trực tiếp, anh nhận ra vấn đề là anh đã không cho các bạn đó thấy được tương lai phát triển của họ tại Agilsun. Anh rút kinh nghiệm, lên kế hoạch định hướng tầm nhìn và cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Cho các bạn trẻ có tâm huyết thấy những điều họ có thể làm và phát triển trong tương lai gần. Anh đã thành công, vì có những bạn (nhỏ hơn anh 2 tuổi) đã gắn bó với công ty cho đến nay.
Lúc đó anh cũng thường gặp mặt và trao đổi với những người đi trước để học hỏi về cách quản lý vận hành công ty. Một trong những người anh hay gặp nhất là thầy của anh, thầy Đậu Ngọc Hà Dương –giảng viên của trường KHTN, phó Giám Đốc Đào Tạo trung tâm Aptech.
Anh cũng có tham gia nhiều hội thảo về thành lập và quản lý công ty, trong đó có cả Tech Talk của ITviec vào tháng 11 năm 2013.
Là một người quản lý doanh nghiệp, anh có từng đưa ra quyết định sai lầm nào chưa?
Tất nhiên là có. Đó là một sai lầm về chiến lược kinh doanh.
Trong giai đoạn đầu, anh có khai thác thêm thị trường SEO và content marketing. Nhưng sau một thời gian hoạt động không hiệu quả như mong muốn, anh đã chấm dứt bộ phận kinh doanh đó.
Anh nhận ra việc “nhận ra sai lầm và sữa chữa NGAY” là rất quan trọng. Nếu lúc đó anh cứ bướng bỉnh tiếp tục với SEO và content marketing thì có lẽ anh đã mất thêm một số tiền không nhỏ.
Một ví dụ khác là: ban đầu anh có phần mềm dịch vụ design cho hoạt động IT, nhưng chỉ tồn tại trong vài tháng rồi cũng ngừng lại. Ngừng vì anh nhận ra khả năng của mình chưa đủ mạnh để làm như các công ty khác.
Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn muốn thành lập IT startup tại Việt Nam không ạ?
Với một startup thì yếu tố con người là quan trọng nhất và tinh thần teamwork, sự gắn bó, đoàn kết của mọi người là không thể thiếu. Vì vậy các bạn cần đưa ra định hướng phát triển lâu dài để thuyết phục các bạn trẻ ở lại công ty; xây dựng môi trường làm việc thân thiện để tạo sự gắn kết với nhân viên và giữa nhân viên với nhau.
Thứ hai là phải dứt khoát xử lí vấn đề. Ví dụ như khi anh kinh doanh mảng SEO và content marketing rồi anh thấy nó không hiệu quả, anh đã bỏ ngay. Khi có vấn đề phát sinh, 1) là chấm dứt hoạt động, 2) là họp lại để thay đổi phương hướng hoạt động.
Thứ ba là học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, và tìm sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm. Như anh thì anh tìm đến thầy giáo của mình để học hỏi cách vận hành công ty. Anh cũng đi nhiều buổi hội thảo chia sẻ cách quản lý công ty từ những người quản lý thành công.
Thứ tư, anh khuyên các bạn thành lập công ty càng sớm càng tốt (khi có sẵn nền tảng, tài nguyên). Còn trẻ thì khi phát triển mình sẽ linh động, dễ thích nghi hơn. Ví dụ như một số anh chị bạn bè anh, sau khi thành lập gia đình, họ có thêm gánh nặng vì luôn phải nghĩ đến trách nhiệm ổn định tài chính hàng tháng. Trong khi đó, lúc trẻ, mình năng động, không coi trọng việc thành công thất bại như thế nào. Cái chính là trải nghiệm cái người ta đang làm và chứng tỏ mình cũng có thể làm.
Cuối cùng, khi thành lập một doanh nghiệp các bạn cần chuẩn bị thêm kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh. Khi mới ra trường tiếng Anh ko tốt, nên khi ra đường, anh gặp người nước ngoài, anh bắt chuyện với họ để luyện tiếng Anh. Hiện tại anh đã có thể giao tiếp tốt và lấy nhiều project từ Singapore, Úc, Mỹ về cho công ty.
Có quyển sách hoặc resource nào mà anh hay tham khảo trong suốt sự nghiệp của mình không ạ?
Anh tâm đắc nhất là quyển sách “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” của Nick Vujicic. Nó nói về những khó khăn ta có thể gặp phải trong cuộc sống và cách để ta vượt qua. Anh thấy nó đúng với những cái anh đã trải qua.
Được biết anh có một ứng dụng khá nổi tiếng là “Giá Nông Sản.” Anh có thể cho biết do đâu mà anh làm ra ứng dụng này và làm sao để giúp nó nổi tiếng như hiện tại?
Ứng dụng “Giá Nông Sản” ban đầu anh làm chỉ để hỗ trợ cho ba anh. Ba anh làm thuần nông: tiêu, điều, cà phê, cao su. Mỗi năm bán có một vụ, mà thương lái thường ép giá nông dân do biết được rằng người dân khu anh ở không có kênh nào xem tin tức thị trường nông nghiệp. Vì vậy anh làm ứng dụng này, đầu tư thêm wifi và một chiếc điện thoại cũ là đã giúp được ba anh cập nhật giá nông sản trên thị trường. Sau này, anh phổ biến ứng dụng cho bà con nông dân xung quanh.
Vì đối tượng sử dụng là nông dân, nên anh làm rất đơn giản, chỉ cần chỉ dẫn năm phút là mọi người có thể dùng. Hiện tại ứng dụng “Giá Nông Sản” đã có gần 2000 lượt tải và đã có mặt trên 3 nền tảng là iOS, Android và Windows Phone.
Ứng dụng này về mặt kỹ thuật không có gì khó khăn. Khó khăn là làm sao để đưa đến người dùng giúp bà con nông dân làm chủ được những sản phẩm mình làm ra. Thông qua báo chí, đài truyền hình, ứng dụng được quảng bá rộng rãi tới bà con, và người này truyền miệng người kia, ứng dụng được lan truyền mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, anh vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm để càng ngày càng có nhiều mặt hàng sản phẩm được cập nhật trên ứng dụng.