Những điều cần biết khi gây dựng một IT business
“Thành lập một công ty IT, tôi phải lo nghĩ đến rất rất nhiều thứ nhưng chất lượng code lại tốt hơn hẳn.” Đọc bài phỏng vấn của ITviec với chị Nguyễn Thanh Vân, Founder – CEO – Developer của SSTech, để nghe chị chia sẻ về: Những điều quan trọng cần biết trước khi thành lập một ...
“Thành lập một công ty IT, tôi phải lo nghĩ đến rất rất nhiều thứ nhưng chất lượng code lại tốt hơn hẳn.”
Đọc bài phỏng vấn của ITviec với chị Nguyễn Thanh Vân, Founder – CEO – Developer của SSTech, để nghe chị chia sẻ về:
- Những điều quan trọng cần biết trước khi thành lập một công ty IT
- Thử thách và bài học mà chị đã học được
- Lời khuyên dành cho developer muốn thành lập công ty IT
Tiểu sử của chị Vân: Học BA tại đại học Quốc Gia Tp.HCM được 2 năm thì chị Vân nghĩ là mình thích IT hơn nên chị chuyển qua RMIT học IT trong 2,5 năm. Làm việc tại East Agile hai năm thì chị hợp tác với bạn để thành lập SSTech.
Vì sao chị muốn thành lập công ty IT?
Ban đầu, tôi học BA, nhưng rồi cảm thấy BA như nằm trong máu mình vì những gì thầy dạy hầu như tôi đều biết. Tình cờ lúc đó, bạn tôi học ĐH Tự Nhiên ngành CNTT, làm một website cực đẹp và chỉ cho tôi xem. Tôi đã nghĩ rằng: wow, code có thể làm ra nhiều điều kì diệu! Thế là tôi thích IT. Tôi nghĩ rằng sau này tôi sẽ xây dựng được những thứ “phép màu” như vậy, và sẽ kinh doanh về IT, vậy nên tôi chuyển sang học IT, làm việc tại East Agile và thành lập SSTech.
Theo chị, những điều quan trọng cần biết để thành lập một công ty IT là gì?
Có ba điều quan trọng.
1. Quản lý developer. Không cần nhiều developer, chỉ cần high quality developer, để code của công ty mình viết ra từ từ chinh phục được khách hàng. Khách hàng sử dụng mình thấy tốt sẽ truyền nhau.
2. Xác định khách hàng mục tiêu. Khi thành lập công ty, tôi xác định khách hàng của mình là người nước ngoài, nên tôi bắt tay với một người bạn cũng học IT ở RMIT và bảo anh ấy đi học Master ở Úc để làm quen với những người bản xứ có kinh nghiệm sales, rồi thuyết phục họ làm sales cho SSTech. Họ có môi trường tiếp xúc nên họ tìm được nhiều khách hàng người Úc cho công ty.
3. Quản lý nhân viên, tìm cách để nhân viên yêu thích công việc mà họ đang làm. Vì tinh thần họ tốt, họ mới cho ra đời code tốt. Code tốt thì công ty phát triển. Như SSTech, tôi cho nhân viên linh hoạt trong địa điểm làm việc, họ có thể không đến văn phòng, làm việc ở quán cafe cũng được miễn sao họ hoàn thành công việc trong ngày.
Chị có thể chia sẻ một thử thách chị từng trải qua và bài học mà chị học được từ nó?
Lúc mới bắt đầu, SSTech chỉ có hai khách hàng. Trong tình huống xấu nhất, một khách hàng nghỉ hợp đồng vì họ hết ngân sách, tôi vẫn bảo đội sales ở Úc là phải cố gắng, cố gắng, cố gắng.
Ngoài ra, tôi còn liên hệ vài khách hàng Việt Nam, lấy những project rẻ hơn. Nhưng làm việc với những khách hàng này rất mệt, vì họ cứ gọi mình bất cứ khi nào họ có vấn đề dù vấn đề đó không phải lỗi phần mềm của SSTech.
Từ tình trạng khó khăn đó, chiến lược duy nhất mà tôi đưa ra để ổn định lượng khách hàng là phải tìm nhiều developer giỏi, và một technical lead giỏi để quản lý họ, đảm bảo code viết ra luôn có chất lượng cao thì khách hàng sẽ tự đồn nhau mà tới với SSTech.
Chị từng mắc phải sai lầm nào và chị học được gì từ đó?
Hợp đồng đầu tiên của công ty, sau khi nói chuyện trực tiếp với khách hàng, tôi ước tính chỉ mất khoảng một tuần để hoàn thành, nên báo giá, rồi ký hợp đồng. Vì là hợp đồng đầu tiên nên tôi chưa có kinh nghiệm, chỉ ghi là “làm website.” Nhưng khi làm xong, khách hàng lại muốn đổi nội dung, hình thức website… Những điều này chưa từng nhắc tới khi làm hợp đồng. Cụ thể một trong những yêu cầu là: mỗi khi hiện trang khác lên thì phải có hình chiếc xe chạy ngang kéo sang trang tiếp theo.
Để hoàn thành những yêu cầu mới, tôi phải mất thêm một tuần làm việc. Bài học tôi rút ra khi làm hợp đồng là: hợp đồng cần chi tiết, đừng vì khách hàng là người quen hay được giới thiệu mà làm hợp đồng sơ sài.
Sai lầm thứ hai là khi tôi làm việc với một công ty có coder. Họ chì thuê SSTech làm những task khó. Khối lượng công việc khi đó không nhiều, nhưng mỗi khi có vấn đề là họ lại gọi cho tôi, bất kể đêm hay ngày. Sai lầm của tôi là không document những thứ tôi làm.
Bài học tôi rút ra là ngoài viết code tốt thì còn phải document đầy đủ, vì những người trả tiền cho mình, họ không hiểu code bằng mình, họ chỉ hiểu văn bản text thôi.
Lời khuyên của chị dành cho các bạn developer có ý định thành lập IT business là gì?
Tôi có bốn lời khuyên.
1. Xác định đối tượng khách hàng của mình là ai rồi xây dựng phương hướng tiếp cận hợp lý. Như tôi, tôi xác định đối tượng khách hàng là người nước ngoài và tôi xây dựng team sales người Úc, để lấy khách hàng ở Úc cho công ty.
2. Không cần biết sâu nhưng phải biết rộng. Như SSTech, các project không chỉ viết bằng Rails, mà còn bằng PHP, Node JS, cho nên tôi phải biết về tất cả những cái đó, để có thể xem code của các developer viết ra, đưa feedback, giúp họ hoàn thiện code. Chủ trương của SSTech là viết code tốt nhất, tốt hơn những người khác viết, và viết nhanh hơn.
3. Nếu không giỏi về IT thì bạn phải có kỹ năng nói tốt. Như sếp cũ của tôi ở công ty East Agile, anh nói rất giỏi. Anh không biết gì về IT nhưng có thể nói ba tiếng liền về nó, và hoàn toàn thuyết thục được tôi, một người có đào tạo căn bản về IT. Nên hoặc là bạn phải giỏi về IT, hoặc là phải nói giỏi để thuyết phục khách hàng rằng mình hiểu, làm chủ một technique và có thể sản xuất phần mềm làm hài lòng họ.
4. Tạo môi trường làm việc vui vẻ trong công ty. Tôi rất nhiệt tình trong mọi chuyện. Thậm chí, tôi có thể nấu ăn cho developer của mình, hoặc thỉnh thoảng dẫn họ ra ngoài ăn. Nói chung, tôi tạo môi trường SSTech giống như một gia đình. Đôi lúc tôi cho nhân viên ra quán cafe làm luôn. Họ thích đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Chỉ cần cuối ngày, khi tôi review code thì họ phải đảm bảo là đã xong công việc.
So với việc làm một developer thì việc làm chủ một công ty IT, thì chị thấy có những điểm cộng và điểm trừ nào?
Điểm trừ lớn nhất là phải lo nghĩ rất rất nhiều thứ. Làm việc ở vị trí nhân viên thì cứ hết tám tiếng là về, chăm chỉ để lãnh bonus, để giữ khách hàng. Khi thành lập SSTech, tôi phải quan tâm đến nhiều vấn đề hơn, như là nghĩ xem làm sao để nhân viên vui, làm sao để nói chuyện với khách hàng, làm sao để quản lý sản phẩm mình làm ra, rồi những lúc không có khách thì phải làm gì để “nuôi” công ty…
Điểm cộng là thời gian, địa điểm làm việc linh hoạt hơn giúp cho ra đời code tốt hơn. Thời điểm tôi nghĩ bản thân mình cho ra chất lượng code tốt nhất là buổi tối. Làm chủ SSTech, tôi có thể ở lại công ty, làm việc rất khuya. Tâm trạng khi code lúc đó không bị gó ép mà cảm thấy rất hưng phấn nên chất lượng code cũng tốt hơn.