Startup – Khởi nghiệp sáng tạo! Cần hiểu đúng!
“Khởi nghiệp sáng tạo là Khởi nghiệp dựa trên sự đam mê tột độ, trải nghiệm tột cùng, công nghệ tột cao, tạo ra các mô hình, sản phẩm sáng tạo, giúp đột phá trong tăng trưởng, vượt trội trong cạnh tranh nhằm giải quyết một/nhiều nhu cầu nào đó của thị trường.” ...
“Khởi nghiệp sáng tạo là Khởi nghiệp dựa trên sự đam mê tột độ, trải nghiệm tột cùng, công nghệ tột cao, tạo ra các mô hình, sản phẩm sáng tạo, giúp đột phá trong tăng trưởng, vượt trội trong cạnh tranh nhằm giải quyết một/nhiều nhu cầu nào đó của thị trường.”
Nói thì dễ như vậy nhưng làm sao để chúng ta có thể làm được điều đó? Chúng ta sẽ phải chuẩn bị những gì? Hàng tỷ thứ không đơn giản cần phải trả lời cùng một lúc. Dưới đây là một câu chuyện, một trải nghiệm, một đúc kết phần nào theo Tôi nghĩ sẽ giúp bạn.
5 TRIẾT LÝ TUYỆT DIỆU DÀNH CHO STARTUP
Tôi may mắn được nghe, đọc về lịch sử hình thành của SoftBank và những triết lý áp dụng tại SoftBank, một công ty rất nổi tiếng do ông Son Masayoshi sáng lập và làm chủ tịch. Một phần khác thu lượm từ sự chia sẻ thêm từ các chuyên gia. Cá nhân tôi cho rằng nó có rất nhiều ý nghĩa giúp ích rất tốt cho những ai làm khởi nghiệp và các nhà quản lý doanh nghiệp.
Hôm nay, từ những hiểu biết của mình, trải nghiệm thực từ khởi nghiệp, Tôi tổng hợp và đúc kết ra 5 triết lý này một cách khái quát và dễ hiểu nhất để các bạn có thể hiểu thêm và hy vọng phần nào đó giúp ích được các bạn trên con đường khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp của mình. Đối với tôi 5 triết lý này như là “Ngũ hành trong khởi nghiệp”.
5 Triết lý đáng giá dành cho khởi nghiệp: “Đạo – Thiên – Địa – Nhân – Pháp”
#Đạo
Đạo ở đây có thể hiểu là triết lý, sứ mệnh tồn tại của doanh nghiệp, big picture. Một doanh nghiệp mà không có sứ mệnh và triết lý của mình thì e rằng sẽ rất khó có thể đi xa được. Đạo nó như là một thứ gắn kết tất cả mọi thứ từ nguyên tắc quản trị, tư tưởng, tầm nhìn, triết lý sản phẩm, triết lý kinh doanh. Nó là đức tin và khát vọng hướng tới của doanh nghiệp, nhà sáng lập phải là người thấm nhuần và có đức tin cao nhất về Đạo mà mình theo đuổi, anh ta cũng sẽ phải là người truyền đạo tốt nhất tới tất cả mọi người, nhất thảy các nhà đồng sáng lập và key persons sẽ phải có chung đức tin vào Đạo đó. Bạn sẽ không thể lãnh đạo, truyền lửa, dẫn dắt mọi người theo doanh nghiệp khởi nghiệp của mình nếu như họ không tin vào sứ mệnh và khát vọng tột cùng của startup đó, không có nó chúng ta dễ bỏ cuộc, không có nó anh em co-fouder dễ lạc lối, không có nó chúng ta không tập hợp được sức mạnh đoàn kết tổng thể và không có nó doanh nghiệp không có lý do để tồn tại.
#Thiên
Thiên ở đây có thể hiểu như thiên thời, thời cơ, cơ hội thị trường. Nếu bạn khởi nghiệp đúng vào thời điểm vàng của thị trường thì điều đó đã giúp bạn dễ thành công hơn người khác rất nhiều rồi. VD những ai khởi nghiệp trong ngành Mobile Internet từ 2012 theo tôi sẽ có được chữ Thiên, thị trường Mobile Internet thực sự bùng nổ bắt đầu từ 2012 và tiếp tục tăng trưởng nóng trong nhiều năm tới. Hàng trăm mô hình truyền thống đều có thể được“giải lại” với tư duy và phương thức mới nhờ cuộc cách mạng công nghệ. Uber là điển hình của việc ứng dụng sự vượt trội của công nghệ giải lại bài toán vận chuyển người, một mô hình dựa trên sharing economy giúp huy động mọi nguồn lực nhàn rỗi của xã hội và cắt đi mọi chi phí dư thừa để người tiêu dùng hưởng lợi và có khả năng scale lớn, linh hoạt và được điều hành vô cùng thông mình nhờ vào ML & Data-driven. Vậy nên nó không giết chết ngành vận tải người truyền thống mới là lạ. Mai Linh và các hãng taxi tại Việt Nam có cố gắng đến mấy thì sự cồng kềnh, thiếu ứng dụng công nghệ cùng với hệ tư tưởng cũ kỹ và thói quen cũ, sẽ không thể thoát khỏi cuộc lật đổ này. Tháng 10-2013, Tôi có dịp đi lại bằng Uber và Lyft (dịch vụ tương tự Uber) ở San Francisco, bạn tài xế đã nói với tôi rằng:I’m a taxi killer. Nó đã xảy ra tại Mỹ và giờ sẽ là Việt Nam.
#Địa
Địa ở đây có thể hiểu là môi trường kinh doanh, quan hệ bạn hàng, đối tác, nhà đầu tư, quan hệ địa chính trị, mạng lưới trong ngành, tài chính, kiến thức, người dùng, hạ tầng, chính sách, …. Khi bạn hiểu và tích luỹ tốt kiến thức, tiền bạc, quan hệ và thực sự chuyên sâu trong lĩnh vực bạn đang định khởi nghiệp (kiểu như bạn làm việc liên tục trong lĩnh vực đó 10 ngàn giờ – nguyên lý 10 ngàn giờ bay) thì lúc đó một cách tự nhiên bạn sẽ cảm nhận sự sáng tạo và đột phá trong khởi nghiệp bạn sẽ định làm. Mong muốn tột cùng, sự quyết tâm làm đến cùng để biến mong muốn thành hiện thực và một ý tưởng thực sự sáng tạo sẽ thực sự quan trọng với thành công của bạn. Bạn sẽ cảm thấy rằng như thể bạn sinh ra để làm điều đó, nếu không phải là bạn thì sẽ không thể là người khác được. Như thể thượng đế chọn bạn, bạn trở thành chosen people, mọi nguồn lực xung quanh sẽ tự nhiên hỗ trợ bạn, truyền thông nói về bạn một cách tự nhiên, nhà đầu tư bỏ tiền cho bạn, những người giỏi tìm đến bạn, …. Làm sao một startup lại có thể làm được điều này? Điều này sẽ đến với bạn khi bạn sẵn sàng! Nó thực sự rất khó hiểu với những ai chưa sẵn sàng.
#Nhân
Nhân ở đây hiểu là những gì liên quan đến con người. Có thể là đội ngũ cùng khởi nghiệp, đạo đức, …. Bạn không thể tự mình làm tất cả, và càng không thể đi xa chỉ với một mình mình. Người ta thường bảo “Muốn đi nhanh thì đi một mình, Còn muốn đi xa thì cần đồng đội”. Nhìn ở một góc cạnh khác thực dụng hơn thì chúng ta nên hiểu mỗi con người sẽ mạnh một thứ, mà doanh nghiệp thì lại cần nhiều chất (chuyên môn) để tồn tại và thành công. Bạn không nhất thiết phải làm tất cả mọi việc thì mới tốt, thậm chí bạn chỉ cần là một nhà lãnh đạo tốt đã là đủ. Chấp nhận khởi nghiệp là chấp nhận rủi ro, là phải thành công từ chẳng có gì, khó như lên giời. Vậy nên nếu bạn muốn thuyết phục được mọi người tham gia cùng và tin tuyệt đối vào bạn (lúc này bạn đang rao bán chính mình), thì bạn cần có Đạo (ở trên) và là một người truyền đạo tốt, những người theo bạn cần tuyệt đối tin tưởng vào thứ mà các bạn đang theo đuổi, và truyền cho họ một niềm tin tuyệt đối là chúng ta có thể đạt được nó. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt đã từng nói: “Nhà lãnh đạo tốt biết truyền cảm hứng cho người khác để họ tin vào nhà lãnh đạo. Nhưng nhà lãnh đạo xuất sắc sẽ biết truyền cảm hứng cho người khác để họ tin vào chính bản thân họ”.
#Pháp
Pháp có thể hiểu là phương pháp, trận pháp, chiến thuật, phương pháp quản trị. Với bên trong, nó là hệ thống quản trị và điều hành nội bộ, nó là văn hóa, là cách thức tổ chức hành xử và giao tiếp nội bộ, là bộ nguyên tắc để doanh nghiệp hoạt động đầy hứng khởi, sáng tạo và hiệu quả. Với bên ngoài, nó là chiến thuật phát triển thị trường, trận pháp giúp cạnh tranh và chiến thắng đối thủ, là vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Pháp phải bất biến dựa trên Đạo, biến hóa theo Thiên và Địa, hài hòa theo Nhân. Pháp là phương pháp tuyệt diệu để kết nối mọi thứ lại thành một thể thống nhất không thể phá vỡ giúp doanh nghiệp mạnh trong tấn công, linh hoạt và hài hòa trong hoạt động hàng ngày, vững chắc trong phòng thủ, phát triển bền vững và trường tồn.
Đọc đến đây thì cũng toát mồ hôi hột, nghe thì có vẻ kinh thế thôi chứ chẳng ai khởi nghiệp có đủ những cái trên đâu. Tôi khởi nghiệp đến bây giờ cũng bầm dập người, mọi thứ nói ra ở trên đều chỉ đạt được ở mức độ nào đó. Tôi viết ra ở đây là mong muốn các bạn hãy lưu ý và xây dựng dần nó trong suốt quá trình khởi nghiệp. Hãy khởi nghiệp thông minh và sáng tạo chứ đừng khởi sự một doanh nghiệp!
Chả biết có giúp ích được gì các bạn không nhưng viết thử bài đầu tiên cũng mất thời gian phết :).
“Tìm đúng người, hỏi đúng chuyện, làm đúng việc!”
Người viết – Trọc Đất