5 điều bạn nên thực hiện khi đang học lập trình
Thời đại công nghệ số phát triển nhanh, và với những kiến thức được trang bị trong ghế nhà trường, các bạn sinh viên học lập trình chỉ đảm bảo được có đủ kiến thức cơ bản và hiểu một cách tổng quan chung chung về công nghệ thông tin. Và câu hỏi đặt ra là liệu các bạn có đủ điều kiện để được các nhà tuyển dụng, các công ty chọn lựa cho công việc? Có nhiều câu trả lời cho vấn đề này, nhưng nếu nhìn nhận vừa khách quan và chủ quan thì câu trả lời vẫn nằm ở chính bản thân các bạn sinh viên. Ra trường cùng một lứa nhưng có người nổi trội hơn người khác được các nhà tuyển dụng đưa vào tầm ngắm để chọn lựa và đào tạo cho công việc, những bạn còn lại thì sao? Thất nghiệp, chuyển đổi hướng do không tìm được việc làm với ngành CNTT, …. Đây là điều mà không ai muốn có cả; với lí do đó trong bài này, LapTrinh.IO có một số chia sẻ và lời khuyên tới các bạn đang còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường có thể chuẩn bị cho mình được những hành trang cần thiết trước khi tốt nghiệp, để có cơ hội tốt hơn trong công việc, và sự nghiệp.
1 . Chọn một ngôn ngữ lập trình và một hướng đi
CNTT là một ngành mở có rất nhiều lĩnh vực liên quan, nói riêng tới lập trình thì có rất nhiều mảng, lập trình ứng dụng PC, lập trình ứng dụng cho mobile (Android, iOS, Windows Phone…), lập trình thiết bị nhúng, lập trình website, lập trình ứng dụng web, … và còn rất nhiều nữa. Lẽ tất yếu là không có lập trình viên nào biết tất cả các ngôn ngữ lập trình và lĩnh vực nào cũng làm được.
Khi còn ở ghế nhà trường, các bạn sinh viên sẽ được học và tiếp cận một cách tổng quan tới nhiều mảng lập trình, tuỳ theo chương trình đào tạo của trường hay trung tâm. Đây là lúc các bạn cần phải định hướng cho chính bản thân các bạn, phải chọn được đâu là ngôn ngữ lập trình mình thích, đâu là nền tảng mà bạn muốn theo đuổi trong sự nghiệp lập trình của mình.
Nếu các bạn học thấy thích làm website sử dụng PHP, vậy hãy chọn PHP làm kim chỉ nam cho sự nghiệp của bản thân sau này. Nhưng chỉ biết ngôn ngữ lập trình là không đủ, bởi lẽ các sản phẩm thực tế luôn đi kèm với một framework, với lí do đó mà các bạn không chỉ nên biết mỗi PHP mà cần phải biết thêm một số framework phổ biến tạo nên từ PHP, một vài ví dụ cho framework phổ biến của PHP như là Laravel Framework, Symfony, Zend Framework 2… Đây chỉ là ví dụ cho ngôn ngữ lập trình PHP, các ngôn ngữ lập trình khác cũng có các framework khác.
Hãy chon một hướng đi và kiên trì đi theo hướng đó.
2 . Hãy để lập trình như một thói quen hàng ngày
Một thói quen xấu của các bạn sinh viên là nước tới mới nhảy, đây thực sự là không tốt cho chính bản thân các bạn. Lẽ tất yếu trong việc hình thành phản xạ của bộ não là: cái gì làm đi làm lại nhiều lần thì sẽ được ghi nhớ và lưu trữ để hình thành phản xạ, còn không thì sẽ bị phân mảnh, sẽ bị quên đi vì không cần thiết. Nếu cứ chờ tới D-Day để mới lần mò là đã học cái gì, áp dụng như thế nào, triển khai code như thế nào … thì chắc là bạn đang làm cái gì đó chứ không phải là lập trình. Khi các bạn đã xác định học để trở thành một lập trình viên thì bạn cần hiểu và làm rõ tư tưởng rằng, phần lớn thời gian sử dụng hàng ngày bạn sẽ ở bên và làm bạn với những dòng code. Bạn cần có một sự rèn luyện đầy đủ hàng ngày, không ít thì nhiều, hãy duy trì đều đặn hàng ngày. Có điều gì mới mẻ thì hãy học thêm, có điều gì bạn code chưa code hãy tìm cách cải thiện, có điều gì hay quên, hãy lập trình hàng ngày để nhớ.
Giữ được thói quen hàng ngày sẽ không chỉ giúp bạn tăng cường khả năng tự học, tự tìm hỏi mà còn giúp bạn cải thiện được kĩ năng hay những điểm còn yếu kém của bản thân. Hơn thế nữa tư duy lập trình của bạn cũng sẽ được cải thiện nhiều lên.
3 . Tạo ra những sản phẩm mang tên chính mình
Với những gì bạn học được, hãy cố gắng tạo ra những sản phẩm cho chính bạn. Dù là một chương trình bé, không hoàn thiện, nhưng đấy vẫn là một sản phẩm có giá trị, được đúc kết bằng những gì bạn được dạy, được học và kinh nghiệm được. Hãy tạo thât nhiều sản phẩm, và chăm chút chúng như những đứa con tinh thần của bạn, vì biết đâu một ngày nào đó chính những sản phẩm đó sẽ được nhiều người biết tới và nổi tiếng thì sao?
Tới đây, bạn sẽ không cần phải bối rối khi phỏng vấn xin việc và đối mặt với câu hỏi: “Bạn làm được những sản phẩm nào khi còn ngồi trên ghế nhà trường?”
Hãy tự tin là một ông chủ của một HaiVL tiếp theo ở Việt Nam.
4 . Lưu trữ code các sản phẩm trên Github
Điều thường thấy, các bạn code xong là vứt đi, học xong rồi thì xoá, cùng lắm thì nén file lại giữ đâu đó. Nếu lúc bạn cần tham khảo thì làm thế nào? Muốn chia sẻ cho ai đó thì làm thế nào? … Đừng nói là mất rồi hay tìm lại file nén đâu đó chứ…
Thời đại ngày nay, kĩ năng quản lý và lưu trữ source code rất là quan trọng, nếu bạn thực sự thấy việc lập trình có giá trị thì hãy tạo nên ý thức lưu trữ code của mình trên các hệ thống lưu trữ và quản lý source code, và phổ biến hiện nay là Github, hoặc bạn có thể sử dụng BitBucket nếu bạn không muốn chia sẻ ra ngoài.
Các công ty công nghệ ngày nay đang có xu thế đánh giá ứng viên qua Github, bởi vì dựa vào đấy họ có thể thấy được năng lực bạn tới đâu, khả năng của bạn là gì, bạn lập trình được những gì, quá trình phát triển kĩ lập trình của bạn như thế nào, chỉ một tài khoản Github cũng nói lên tất cả điều này.
Vì thế, nếu bạn có một tài khoản Github, sử dụng thường xuyên và lưu trữ các source code của bạn trên đây, tỉ lệ thành công trong việc ứng tuyển việc làm là khá cao.
Nếu bạn chưa biết về Git và không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo bài Sử dụng Git và GitHub cơ bản
5 . Tạo một trang web riêng cho bản thân
Ngoài việc có một tài khoản Github, việc có một trang web cá nhân sẽ càng tăng hiệu quả đánh bóng tên tuổi và giúp bạn có giá trị hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Trang web cá nhân nên có giới thiệu về bản thân, các link tới các sản phẩm đã làm, cách liên hệ với bạn thế nào, và đường link tới CV của bạn.
Nếu bạn định hướng là lập trình web, thì việc bạn có thể tạo ra một website cho bản thân là một điều tất yếu rồi. Còn với các bạn không theo làm web thì sao? Không có gì khó khăn cả, có rất nhiều dịch vụ tạo website miễn phí, bạn có thể google ra cả đống, hay tự kiếm mẫu website nào đó về chỉnh sửa theo ý của bạn và đưa lên host của bạn. Bạn có thể sử dụng hosting hay domain miễn phí (domain miễn phí thường ko đẹp), nhưng theo mình thì các bạn nên bỏ tiền ra mua để có chất lượng tốt hơn và ghi dấu ấn riêng của bạn. Đừng phàn nàn là chi phí đắt nhé, vì thực sự hosting thời nay giá rẻ hơn rất nhiều so với ngày xưa. Chỉ với $10 bạn đã có thể có tên miền riêng là tên bạn trong 1 năm, và hosting 1 tháng chỉ $36 một năm, vị chi là chi phí một năm cho trang web cá nhân là $46, tương đương gần 1 triệu VNĐ tại thời điểm hiện tại, nghĩa là mỗi tháng bạn cần bỏ ra hơn 80k VNĐ. Liệu có quá là đắt không so với mấy bữa nhậu hay tụ tập chơi bời với bạn bè hay ….
Hãy tạo cho riêng bạn một site cá nhân, để ấn tượng nhà tuyển dụng từ những phút ban đầu.
Nếu bạn cần một lời khuyên về mua tên miền và hosting thì bạn có thể chọn NameCheap, thứ nhất là giá cả tương đối rẻ hơn so với ở Việt Nam và lại có độ ổn định cao, thứ hai là họ chăm sóc khách hàng rất nhanh và nhiệt tình, thứ ba là hay có event khuyến mãi; thú thực là mình hay mua được domain ở đây với giá $0.98 và hosting $9.88. Tuy nhiên, chỉ là kinh nghiệm của mình và mang tính chất tham khảo cho các bạn thôi nhé.
Ai cũng muốn thành công. Tôi làm được, bạn cũng làm được, tại sao lại không nhỉ?
Trên đây là một vài lời khuyên dành cho các bạn, dù các bạn còn đang đi học hay đã đi làm, dù sớm hay muộn, thì bạn luôn có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Còn chần chừ gì nữa….tiến hành ngay và luôn đi.
Nguồn