Cao thủ môn cờ vây đánh thua máy tính: AI sẽ thống trị con người?
Em thấy cái này hay nên mang về đây. LIỆU CÓ THỂ
Mới đây, chương trình máy tính AlphaGo của Google đã xuất sắc đánh bại cao thủ bộ môn cờ vây Trung Quốc – trò chơi trí tuệ “phức tạp” nhất từng được biết đến. Chiến thắng này là thành tựu quan trọng trong quá trình nghiên cứu Trí thông minh nhân tạo (AI), điều mà nhiều người mong đợi trong hơn 10 năm qua.
Bước tiến lịch sử trong việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo
Chương trình có tên AlphaGo đã đánh bại nhà vô địch cờ vây châu Âu Fan Hui với tỉ số cách biệt trong một trận đấu hồi tháng 10 năm ngoái nhưng chi tiết về cuộc đấu cũng như những thuật toán phức tạp của AlphaGo chỉ mới được công bố trên tạp chí Nature. Dự tính vào tháng 3 tới, AlphaGo sẽ có dịp so tài cùng với nhà vô địch cờ vây thế giới người Hàn Quốc Lee Sedol.
Đây là lần đầu tiên một chương trình máy tính giành thắng lợi trước một cao thủ cờ vây mà không cần có lợi thế nhất định hoặc người chơi chấp quân. Sau chiến thắng lịch sử này, AlphaGo đã được nhiều người so sánh với máy tính Deep Blue của IBM, cỗ máy đã đánh bại đương kim vô địch cờ vua thế giới Garry Ksparov năm 1997.
Nhưng khác với cờ vua, cờ vây phức tạp hơn nhiều với vô hạn các bước đi và khả năng biến hóa khi chơi. Các chương trình chơi cờ khác chỉ phải đưa ra khoảng 20 nước đi tiềm năng cho mỗi lượt, trong khi con số này với cờ vây là… 200. Trong quá khứ, chưa từng có chương trình nào có thể đánh bại một người chơi cờ vây ở mức độ trung bình, do đó thắng lợi này khiến cho những người phát triển ra AlphaGo cũng phải giật mình.
"Cờ vây có lẽ là loại cờ trên bàn phức tạp và gây ra nhiều khó khăn nhất với người chơi. Các tổ hợp bước đi của nó chắc còn nhiều hơn những nguyên tử trong vũ trụ. Nhưng cuối cùng AlphaGo đã giành chiến thắng 5-0 và mạnh hơn chúng tôi mong đợi rất nhiều. Cờ vây được coi là đỉnh cao trong nghiên cứu AI và chúng tôi đã thành công” – Demis Hassabis, đồng tác giả AlphaGo phấn khởi cho biết.
AlphaGo đã đánh bại cao thủ cờ vây thế nào?
Theo chuyên gia Google David Silver, AlphaGo sử dụng hai mạng lưới “thần kinh” đưa ra thông tin song song nhưng đồng thời cũng tương tác với nhau. Một mạng lưới cho biết vị trí hiện tại của các quân cờ đen-trắng trên bàn cờ, trong khi hệ thống còn lại đưa ra nước đi dựa trên việc phân tích, học hỏi liên tục các nước đi trước của đối phương cũng như các nước đi tiềm năng của nó.
AlphaGo có thể chơi hàng triệu ván cờ mà không biết mệt mỏi, nhờ đó trình độ và khả năng phán đoán sẽ vượt xa con người trong tương lai gần. Trong 500 trận tỉ thí với các chương trình chơi cờ vây khác trên thị trường, AlphaGo toàn thắng cả 500, thậm chí còn chấp nước đi. Tác giả của AlphaGo cho rằng sản phậm của họ có thể tự học tập, tự tư duy chứ không phải theo lối mòn thuật toán như các chương trình trí thông minh nhân tạo khác.
“Nhóm phát triển chương trình này không dựa vào sức mạnh “siêu nhiên” nào cả mà chỉ dựa vào những điểm giống với trí tưởng tượng của con người. Để thắng cờ vây, chúng tôi đã phải xây dựng một cỗ máy suy nghĩ trực quan, có khả năng tư duy mà trước giờ chỉ thấy ở não bộ con người” – ông David Silver nói.
Máy tính ngày càng thông minh: Cơ hội và thách thức của giới khoa học
Thành công bước đầu của AlphaGo đánh dấu bước tiến lớn trong khoa học nghiên cứu Trí thông minh nhân tạo. Nhiều chuyên gia hy vọng, robot sẽ ngày càng thông minh hơn và giúp ích cho con người trong nhiều lĩnh vực, từ khám phá, nghiên cứu cho đến đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại, sự phát triển quá nhanh của các cỗ máy có trí thông minh nhân tạo sẽ khiến con người không thể kiểm soát và đẩy nhân loại vào cảnh diệt vong.
“Nhân loại thống trị thế giới không phải vì chúng ta mạnh hay nhanh nhất mà vì chúng ta thông minh nhất.Khi những cỗ máy trở nên thông minh hơn con người, số phận chúng ta sẽ phụ thuộc vào chúng” - Tiến sỹ Stuart Armstrong, công tác tại Viện nghiên cứu Tương lai Nhân loại trực thuộc Đại học Oxford.
Tiến sỹ Armstrong cho biết máy móc có khả năng khai thác lượng lớn sức mạnh vi tính bằng tốc độ mà bộ não con người sẽ không thể tưởng tượng nổi, cuối cùng chúng sẽ tạo ra một mạng lưới toàn cầu được kết nối với nhau, tự giao tiếp không cần đến sự can thiệp từ chúng ta.
Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking cũng đã viết một bức thư ngỏ về việc cần phải kiểm soát trí thông minh nhân tạo trước khi những thế lực đen tối biến nó thành cỗ máy giết người không thể ngăn cản được. Cùng quan điểm với Giáo sư Hawking còn có nhà đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak, đồng sáng lập Skype, Jaan Talinn, và nhà hoạt động Noam Chomsky.
Năm ngoái, đã có những vụ việc robot chế tạo máy “vô tình” sát hại những công nhân lành nghề ở Đức hay Ấn Độ. Dù được xác định là do lỗi kỹ thuật nhưng đó cũng là một lời cảnh tỉnh với nhân loại rằng, tương lai chúng ta có nguy cơ bị đe dọa bởi chính những thành tựu đáng tự hào về trí thông minh nhân loại.
Tỏ ra bàng quan với những mối lo ngại trên , nhà vô địch thế giới Lee Sedol cho biết ông đang mong đợi trận đấu với AlphaGo trong tháng Ba.
"Tôi nghe nói rằng AlphaGo thông minh lắm nhưng tôi tự tin là mình có thể giành chiến thắng” – Lee Sedol nói.
Sự tự tin của Lee Sedol là một tín hiệu vui trước những lo ngại về khả năng những cỗ máy sẽ vượt mặt con người. Trong quá trình tiến hóa của giới sinh vật, con người được xem là đỉnh cao với bộ não ưu việt. Nhân loại với trí thông minh của mình vượt qua rất nhiều biến cố trong lịch sử để tồn tại, thích nghi và cải tạo thế giới. Trí thông minh nhân tạo, xét cho cùng là một sản phẩm do con người tạo ra cho nên chúng ta có thể hy vọng rằng, các nhà khoa học sẽ biết họ đang làm gì – dùng trí thông minh nhân tạo chỉ với mục đích phục vụ những nhu cầu chính đáng của nhân loại.
Các cột mốc đáng của chú ý trí tuệ nhân tạo
1950: Nhà toán học người Anh Alan Turing công bố một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, đưa ra ý tưởng về cỗ máy có thể suy nghĩ như con người.
1956: Lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) hay “máy thông minh” ra đời tại hội nghị Dartmouth.
1980: Khái niệm về hệ thống phân tích dựa trên máy tính được chấp nhận rộng rãi bởi các công ty công nghệ, đánh dấu bước thương mại hóa trí thông minh nhân tạo đầu tiên.
1989: Đại học Carnegie Mellon phát triển hệ thống máy tính có thể phân tích dữ liệu phức tạp như chơi cờ vua.
1997: máy tính Deep Blue của IBM lần đầu tiên đánh bại đương kim vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov.
2005: Một robot của Đại học Stanford đã giành giải Darpa Grand Challenge với khả năng tự lái xe khoảng 110 dặm trong sa mạc.
2011: Máy tính Watson của IBM đã đánh bại hai nhà vô địch trong các show hỏi đáp nhanh và giành chiến thắng với giá trị giải thưởng lên tới 1 triệu USD.
Skynet sắp ra đời, deep learning thật bá
Bạn thường xem mấy tin này ở đâu vậy