30/09/2018, 16:28

Độc quyền của đám đông

Tôi là người sợ máu, cứ nghĩ đến cái gì cắt, mổ, chém, giết là đã rùng mình, chưa nói đến chuyện xem tận mắt. Tính ra mới chỉ một lần trong đời tôi thử cắt tiết gà, và thất bại. Thế nên chắc tôi sẽ không bao giờ đến làng Ném Thượng, Bắc Ninh để đi lễ hội chém lợn, hay xem video quay lại cảnh tượng đó mà tổ chức Animal Asia đăng tải trên mạng.

Ơn trời là tôi vẫn có quyền không xem những gì mình không thích. Nhưng liệu vì không thích mà tôi có quyền yêu cầu người khác không làm việc họ thích hay không? Đó là câu hỏi mấu chốt xoay quanh câu chuyện cấm hay cho phép các lễ hội bạo lực với động vật diễn ra.

Ở một góc nhìn, nhiều người cho rằng, việc đâm trâu, chém lợn là man rợ, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, do đó cần bị cấm. Ở góc nhìn khác, người địa phương cho rằng, đó là truyền thống của cha ông, và bởi không vi phạm pháp luật nên họ có quyền thực hiện. Chém một con lợn thì bị lên án, vậy có ai lên án việc hàng trăm nghìn con lợn bị chọc tiết đến chết mỗi ngày ở Việt Nam?

Trong một thời đại khi giá trị văn hóa đang được tái định hình, thì những mâu thuẫn như vậy là khó tránh khỏi. Có những phong tục lâu đời, nhưng dần trở nên lạc lõng với bối cảnh mới và biến mất. Đây là điều tất yếu, bởi khi xã hội phát triển sẽ dẫn tới sự thay đổi về văn hóa. Ngày nay không có cô gái trẻ nào còn nhuộm răng đen, hay các chàng trai xăm mình để thể hiện bản ngã dân tộc.

Cái cần quan tâm hơn là cách ứng xử với những giá trị bị coi là lỗi thời, lạc hậu. Chúng ta dựa vào đâu để biết một tục lệ là không tương thích với “văn minh nhân loại”? Làm thế nào để vừa bảo tồn được bản sắc truyền thống vừa loại trừ những độc tố trong đó?

Qua phản ứng về lễ hội chém lợn, tôi cho rằng đó là những câu hỏi chúng ta chưa giải quyết ổn thỏa. Bởi trước tiên, nhiều người vẫn còn tư duy dựa vào công cụ hành chính để làm hài lòng đám đông. Một người không thích giết chóc như tôi thì đương nhiên không ủng hộ các lễ hội có bạo lực, nhưng tôi cho rằng không thể vì nhiều người không thích thì cứ cấm đoán. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng “độc quyền đám đông”, mà đám đông, như nhà thơ Đức Goethe nói, rất giỏi khi đánh hội đồng nhưng rất tệ khi cần suy xét.

Những thứ liên quan đến văn hóa và tín ngưỡng thì rất khó để xác định phải, trái, đúng, sai; do đó, thuyết phục có vai trò quan trọng hơn là mệnh lệnh. Lạm dụng quyền lực nhà nước để phục tùng số đông dễ tạo ra tiền lệ xấu, xâm phạm quyền tự do của từng cá nhân, đặc biệt khi quyền tự do đó không vi phạm pháp luật.

Vì vậy, trừ những hủ tục xâm phạm đến con người và bị pháp luật cấm ra, tôi cho rằng không nên dùng biện pháp hành chính để chấm dứt một nghi lễ nào đó trong xã hội. Không thể nhân danh số đông để cưỡng bức cộng đồng thiểu số làm theo những gì mình muốn.

Tôi có thời gian sinh sống ở Đan Mạch. Tôi chưa từng thấy đất nước nào yêu thiên nhiên đến thế: mọi nơi đều phủ đầy màu xanh, còn thành phố thì như những công viên khổng lồ dành cho muông thú tự do bay nhảy mà không sợ bị bắt thịt. Ở Copenhagen, các viên cảnh sát còn nổi tiếng là hay cho dừng xe cộ lưu thông để bảo vệ đàn thiên nga hay vịt mỗi khi chúng băng qua đường.

Thế nhưng ở hòn đảo Faroe tự trị của họ, cứ đến mùa hè, người dân lại tổ chức một cuộc thảm sát thực sự: lùa hàng trăm con cá voi, cá heo vào vịnh và dùng dao để giết chúng. Cả một vùng biển rộng nhuộm đỏ máu tươi. Bị chỉ trích trên toàn cầu, nhưng họ coi đó là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ, và vẫn tiếp tục thực hiện hàng năm. Chính quyền Faroe, dẫu chịu sức ép rất nhiều từ công chúng, vẫn không cấm hoạt động này, mà chỉ đưa ra lời khuyến nghị về môi trường và sức khỏe.

Đó mới chính là bản chất của dân chủ và pháp quyền: chấp nhận tự do theo pháp luật đồng nghĩa với việc chấp nhận nhiều khi nó đi ngược lại mong muốn chủ quan của mình.

Dù sao, tôi cũng rất hoan nghênh nỗ lực của Animal Asia và các nhóm vận động về quyền khác trong sự việc này. Một xã hội dân chủ thực sự thì phải có nhiều ý kiến trái chiều, và phải qua tranh luận thì xã hội mới phát triển đi lên. Thay đổi xuất phát từ tự nguyện và nhận thức vẫn tốt hơn là cưỡng ép.

Nguyễn Khắc Giang

Nguyễn Minh Dũng viết 18:41 ngày 30/09/2018

Cái này đúng là nên cấm thuyết phục người ta bỏ đi dần dần. Vấn đề không phải là ở người lớn mà ở trẻ em, trẻ em xem mấy cái này bị ảnh hưởng về mặt tư tưởng lắm.

Bài liên quan
0