30/09/2018, 20:41

Lời khuyên nào cho phụ huynh có con thi vào CNTT?

Xin chào các bạn,

Mình xin nói qua là mình không phải là “dân IT” theo đúng nghĩa của nó nên “lời khuyên” chỉ là múa rìu qua mắt thợ, ai thích thì nghe, không thích thì thôi, gạch đá ném lung tung thì mình cũng không quan tâm mấy đâu.

Chả là vì chuyển nghề nhiều, làm trong các lĩnh vực khác nhau nên mình có nhiều người bạn lớn tuổi hơn, cũng làm ở nhiều nghề khác nhau… Và trong số họ có những người có con đang ở độ tuổi chuẩn bị vào đời và họ thấy con họ muốn làm một sinh viên CNTT và hay xin lời khuyên từ mình vì họ chẳng hiểu gì về IT. Họ tin rằng mình tuy không là dân IT nhưng có thể mở toang cái máy tính ra, lắp lại chạy ngon lành, rồi gắn thêm thiết bị này nọ (có lẽ là mấy cái board/ thiết bị ngoại vi), rồi mở ra một cửa sổ đen sì gõ gõ gì đó giống… trong phim rồi sau đó máy nó nhấp nháy màn hình như trời có sấm sét… Nói chung, họ cảm thấy yên tâm phần nào sau khi họ và đứa con cùng ngồi trò chuyện về con đường CNTT. Mình xin tổng kết qua để nếu có “phụ huynh” nào vào đây đọc thì cũng biết qua:

  1. CNTT hay IT hay nói chung là liên quan đến máy tính & mạng máy tính (cả phần cứng/ phần mềm) nhưng bỏ mấy cái đồ hoạ multimedia/ chế bản điện tử ra nhé - nhầm lẫn chỗ này là nguy hiểm bởi vì có rất nhiều người dùng máy tính, có liên quan đến phần mềm/ phần cứng nhưng đó không phải là IT. Như vậy, xác định xem đứa trẻ (tức cái đứa học 12 sắp vào trường học nghề/ học ở bậc cao hơn như cao đẳng/ đại học) có phải thích một ngành thuộc lĩnh vực điện toán hay không? Nếu phải thì mới tìm đến các khoa CNTT của các trường có đào tạo món/ môn này. Nếu không thì tìm cái khác.

  2. Điện toán là một ngành thú vị nhưng nó là một ngành mà tốc độ phát triển rất nhanh, sự đào thải rất lớn. Vì vậy, phải xác định là chỉ có thể sống được nếu lớp ta có 100 thằng thì ta sẽ phải ở trong 45 thằng đứng trên, từ thứ 46 trở đi xem như sẽ rất chật vật với nghề.

  3. Điện toán là ngành nghề không có nhảy nhót lung tung kiểu chạy show, mà là ngồi nhiều nên có khả năng bị các bệnh liên quan đến việc kém vận động và mắt có khả năng sẽ bị cận/ yếu.

  4. Con trai và con gái đều có thể làm việc trong ngành điện toán, nhưng nhìn chung là nghề này nếu đứa con gái không phải là đứa có cá tính mạnh thích làm những chuyện của đàn ông thì không nên chọn.

  5. Đầu tư khá lớn: ngay khi con nộp đơn thi CNTT dù chưa biết đậu rớt thế nào phụ huynh nên đầu tư cho con một máy tính Workstation trị giá khoảng 60 triệu trở lên (mua thêm bộ UPS cho yên tâm về điện đuốc) để con có thể sử dụng lâu dài, bền bỉ, ít hỏng hóc và có thể kiếm tiền khi học một thời gian. Đầu tư xứng đáng sẽ không phải bực tức/ ôm hận với việc nay máy hỏng, mai lại hư gây ra nhiều hệ luỵ bắt nguồn từ việc chọn sai máy tính theo kiểu “của rẻ là của ôi”. Đừng đợi con ra trường mới mua máy tính xịn cho con. Có thể nói với con là đầu tư theo kiểu cho vay trả góp, máy tính 60 triệu chỉ cho con 20, còn 40 còn lại con sẽ đi làm và trả nợ.

  6. Nên đặt hàng con làm các phần mềm tiện ích nho nhỏ dùng trong gia đình ngay khi con bắt đầu học lập trình nếu con đi ngành thiên về phần mềm. Và đặt hàng làm các vật dụng sử dụng trong gia đình nếu con làm thiên về phần cứng. Mục đích: có tiền để con tiêu vặt (phụ huynh trả cho con) từ công sức bỏ ra và con cả thấy hứng thú với nghề, thấy từ nghề có thể mang lại thu nhập cho bản thân, hữu ích cho gia đình và xa hơn là cho xã hội. Qua việc “đặt hàng” con làm sản phẩm, phụ huynh cũng tự đánh giá được khả năng của con để mà con đi “chém gió” với thiên hạ, tránh hoang tưởng hay đánh giá thấp con mình. Đừng bao giờ không quan tâm đến con làm cái gì và mặc kệ nó làm cái gì ở trường mà cha mẹ không biết.

  7. Sẽ có lúc con cảm thấy nản lòng như bài vở trên trường quá khó, quá áp lực, thi rớt môn,… Do đó, ngay khi con bắt đầu bước chân vào học vào ngành CNTT thì phụ huynh cần phải kiếm ngay một người thành đạt về CNTT để nhờ người ấy làm mentor cho con, giúp con trên bước đường trưởng thành với nghề điện toán.

Dài quá rồi, xin ngừng. À, mà mình đang dùng từ điện toán, IT, CNTT lẫn lộn tùng phèo cả lên, ở đây không đang dùng với tính chính xác của khoa học, mà chỉ là đúng chất Dạy Nhậu Học thì hiểu các từ đó đang dùng là để chỉ cái gì.

Bài liên quan
0