30/09/2018, 16:20

Quy tắc 10.000 giờ

Trong suốt gần một thế hệ, các nhà tâm lý học trên khắp thế giới đã tham gia vào cuộc tranh luận hăng say xung quanh câu hỏi: phải chăng hầu hết chúng ta có thể coi là đã được định hình từ xa xưa. Câu hỏi là thế này: có tồn tại thứ gì đó kiểu như tài năng bẩm sinh không? Lời đáp hiển nhiên là có.

Thành công chính là tài năng cộng với sự chuẩn bị. Và các nhà tâm lý học càng xem xét kỹ lưỡng hơn sự nghiệp của các nhân tài thiên bẩm bao nhiêu, thì vai trò của tài năng bẩm sinh dường như càng nhỏ bé hơn và vai trò của sự chuẩn bị dường như to lớn hơn bấy nhiêu.

Các nhà khoa học trên thế giới đã làm các nghiên cứu về các nhân tài và thiên tài trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong cuộc nghiên cứu những người chơi violin, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson và hai đồng sự tại Học viện Âm nhạc danh giá của Berlin đã phát hiện ra rằng: khi bước vào lứa tuổi hai mươi, mỗi tài năng ưu tú đã có tổng cộng mười nghìn giờ, còn các giáo viên âm nhạc tương lai thì chỉ có hơn bốn nghìn giờ.

Ericsson và các đồng sự của ông sau đó đã so sánh các tay chơi dương cầm nghiệp dư với các nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Hình mẫu tương tự lại nổi lên. Những người chơi nghiệp dư không bao giờ luyện tập nhiều hơn ba giờ một tuần trong suốt thời thơ ấu, và cho đến khi hai mươi tuổi, họ đã có tổng cộng hai nghìn giờ luyện tập. Ở phía còn lại, thời gian luyện tập của những nghệ sĩ chuyên nghiệp đã tăng lên rất nhiều, cho đến tuổi hai mươi, họ giống như các nghệ sĩ vĩ cầm, đã đạt tới mười nghìn giờ.

Điều nổi bật trong nghiên cứu của Ericsson là ông và các đồng sự không thể tìm ra bất cứ “người có khiếu tự nhiên” nào, tức không có nghệ sĩ nào dễ dàng vươn tới đỉnh cao mà lại luyện tập chỉ bằng một phần nhỏ so với thời gian các bạn đồng trang lứa bỏ ra. Hay họ cũng không thể tìm ra bất cứ “kẻ cần cù” nào – những người làm việc chăm chỉ hơn tất cả kẻ khác, mà lại không hội tụ đủ những gì cần thiết để lọt vào top xuất sắc nhất. Nghiên cứu đã kết luận rằng một nghệ sĩ âm nhạc nào đó có đủ năng lực để bước vào một trường âm nhạc đỉnh cao, thì thứ để phân biệt một nghệ sĩ trình diễn với những người khác chính là anh ta/cô ta làm việc chăm chỉ đến đâu. Là vậy đấy. Hơn thế, những người ngự trên đỉnh cao không chỉ làm việc chăm chỉ hơn hay chăm chỉ hơn nhiều so với những người khác – Họ làm việc chăm chỉ hơn rất, rất nhiều, rất nhiều.

Ý tưởng rằng: để thực hiện hoàn hảo một nhiệm vụ phức hợp đòi hỏi một mức độ luyện tập tối thiểu mang tính then chốt đã xuất hiện trở đi trở lại trong các nghiên cứu về những tài năng chuyên môn. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu có một niềm tin tuyệt đối về mức thời gian cần thiết để đạt tới sự tinh thông thực sự, đó là con số kỳ diệu: mười nghìn giờ đồng hồ.

“Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: mười nghìn giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất kỳ lĩnh vực nào”, bác sĩ chuyên khoa thần kinh học Daniel Levitin viết. “Trong những nghiên cứu khác nhau về các nhà soạn nhạc, cầu thủ bóng rổ, các cây bút sáng tác tiểu thuyết, vận động viên trượt băng, nghệ sĩ dương cầm, tuyển thủ cờ vua, những tên tội phạm lão luyện … hằng số này luôn trở đi trở lại. Tất nhiên, điều này không lý giải tại sao một số người lại thu hoạch được nhiều từ những buổi luyện tập hơn người khác. Nhưng cho tới nay chưa ai tìm thấy một trường hợp nào trong đó một tay lão luyện tầm cỡ thế giới lại đạt được mức hoàn thiện trong khoảng thời gian ngắn hơn. Có vẻ như não bộ phải mất chừng ấy thời gian hấp thu những gì nó cần để đạt tới sự tinh thông thực thụ.”

Malcolm Gladwell – trích trong Những kẻ xuất chúng

Read more: http://phamngocanh.com/thu-vien/quy-tac-10-000-gio/#ixzz3MxNzEKmk

Bài liên quan
0